Ngân hàng
Đã có ngân hàng lỗ quý IV, tiếp tục thắt chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro
T.L - 16/01/2022 10:40
Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro, ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý IV/2021... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Không nới lỏng điều kiện tín dụng, kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro

Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022.

Cụ thể, Chỉ thị xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm 2022: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước;  Kiểm soát quy mô, tăng trường tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tiếp tục thực hiện công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Hoàn thiện hệ thốn văn bản pháp luật; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi tường kinh doanh; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng;

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp CSTT phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra; Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tuân thủ các quy định về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ tại TCTD, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng…

Thanh tra NHNN: Không có ngân hàng nào tham gia cho vay đấu giá đất Thủ Thiêm

Thông tin tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, tổ chức tại TP HCM chiều 15/1, ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, qua rà soát, không có ngân hàng nào tham gia cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.

Trước đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về hoạt động cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, TP.HCM.

Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo về vụ việc, chỉ còn một vài tổ chức tín dụng chưa báo cáo và xin báo cáo muộn vài ngày. Bên cạnh đó, NHNN còn rà soát qua Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.

Qua rà soát, có 4 công ty là CTCP Dream Republic, CTCP Sheen Mega, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là các doanh nghiệp trúng đấu giá.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, chứng khoán.

Theo ông Tú, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Riêng với tín dụng bất động sản, chứng khoán sẽ siết chặt hơn so với năm 2021. Ngành ngân hàng sẽ có buổi hội nghị chuyên đề về kiểm soát tín dụng vào bất động sản, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống 11,89% năm 2020.

Tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020. Tỷ trọng tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản. Ngân hàng nhà nước đã có chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn.

Đầu tàu ngân hàng quốc doanh khát vốn, lo kẹt room tín dụng

Ước tính, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã bơm gần 4,8 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế năm 2021, chiếm 45% thị phần tín dụng toàn hệ thống. Đây cũng là lực lượng chủ đạo giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Dù vậy, việc tăng vốn nhỏ giọt đang khiến các ngân hàng này đang ngày càng đối mặt với nỗi lo kẹt room tín dụng.  

Báo cáo của cả 4 ngân hàng cho biết, tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay nền kinh tế của BIDV đạt 1,33 triệu tỷ đồng, Agribank 1,32 triệu tỷ đồng, VietinBank 1,14 triệu tỷ đồng, Vietcombank khoảng 964 triệu tỷ đồng. Như vậy, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) đã cho vay nền kinh tế khoảng 4,75 triệu tỷ đồng, chiếm 45% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Ngân hàng thương mại nhà nước cũng là lực lượng chủ lực giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tổng số lợi nhuận hy sinh do giảm lãi suất của riêng 4 ngân hàng này là gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 80-90% tổng mức giảm lãi của các ngân hàng thương mại.

Mặc dù đóng góp lớn với nền kinh tế - cả cung ứng tín dụng lẫn hỗ trợ doanh nghiệp - song các ngân hàng quốc doanh này lại hết sức chật vật mới được cho phép tăng vốn thời gian qua.

Cụ thể, mới đây, lần đầu tiên sau một thập kỷ, Vietcombank được chấp nhận chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Cũng lần đầu tiên sau 9 năm, năm ngoái, VietinBank mới được chia cổ tức bằng cổ phiếu. BIDV cũng mới được chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn sau 6 năm liên tục đề nghị. Trong khi đó, sau nhiều năm đề nghị và hệ số an toàn vốn thấp đáng báo động, Agribank mới được Quốc hội gật đầu cấp 3.500 tỷ đồng ngân sách tăng vốn năm 2020.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc, phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho rằng, để đảm bảo vai trò dẫn dắt hệ thống, Chính phủ cần tạo điều kiện để Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung được tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn chỉ ra thực tế là có ngân hàng quy mô vốn điều lệ chỉ bằng 1/4 Agribank, nhưng vốn điều lệ đã vượt Agribank. Vốn điều lệ quá thấp, trong khi sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế hàng năm khiến hệ số CAR của Agribank ngày càng có nguy cơ giảm.

“Việc bổ sung vốn điều lệ là cần thiết để ngân hàng có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng 8 - 10%/năm. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 và dành ngân sách nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Điều này sẽ tăng giá trị vốn nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, ngân hàng lại có lãi khả quan, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng nên chia cổ tức tiền mặt để đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là “nghĩ ngắn”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có chiến lược tăng vốn dài hơi cho ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Bởi nếu được tăng vốn, các ngân hàng này có thể bơm mạnh vốn cho nền kinh tế, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, khi đó sức lan tỏa sẽ lớn hơn, đóng góp vào nền kinh tế nhiều hơn.

Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN cũng khẳng định, việc tăng vốn giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

“Nếu tăng 1 đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Hà cho biết.

Được biết, NHNN đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội có giải pháp tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng đến nay, việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh này vẫn đang trong cảnh “ăn đong”, xin duyệt từng năm một.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV lo lắng, các ngân hàng nhà nước đang đứng trước áp lực tăng vốn rất lớn, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Basel II nâng cao, Basel III tới đây, mà khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, ngân hàng quốc doanh cũng là đầu tàu tín dụng. Nếu được tăng vốn một cách căn cơ, BIDV và các ngân hàng thương mại nhà nước mới có thể cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế.

Hiện tại, ngoài mong muốn tiếp tục được Chính phủ, Quốc hội cho phép tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thời gian tới, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước còn mong NHNN rới room tín dụng, nới room vốn ngoại.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần có lộ trình nới room vốn ngoại để các ngân hàng có nhiều cơ hội tăng vốn, trước mắt là nới room vốn ngoại lên 35%. Được biết, Vietcombank và VietinBank đều đã gần hết room vốn ngoại, khiến dư địa tăng vốn đã khó càng khó thêm.

 Ngân hàng báo lãi lớn, kỳ vọng tăng trưởng khả quan

Kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 cho thấy, gam sáng vẫn chủ đạo, vượt chỉ tiêu đưa ra cả năm. Đồng thời, kế hoạch đưa ra cho năm 2022 của các nhà băng cũng không kém tham vọng.

Hàng loạt ngân hàng vừa công bố lợi nhuận tích cực năm 2021.  Sở dĩ ngân hàng đạt kết quả tích cực trong năm 2021, dù phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư, là nhờ tín dụng tăng mạnh trong quý IV/2021. Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho hay, tín dụng của ngành đến ngày 27/12/2021 đạt mức tăng 12,97% so cuối năm 2020. Chỉ trong gần 1 tháng (12/2021), tăng trưởng tín dụng toàn ngành tăng 2,8% so với tháng 11/2021 và tăng 4,27% so với tháng 10/2021.

2021 có thể nói là một năm nhiều thăng trầm đối với ngành ngân hàng, nhưng hoạt động dần hồi phục trong quý IV và được kỳ vọng tăng trưởng trong cả năm 2022. Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2021 và Triển khai kế hoạch năm 2022 diễn ra ngày 10/1, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2022, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8%, tín dụng tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.

Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan năm 2021, song để đảm bảo tăng trưởng bền vững dài hạn, lãnh đạo Vietcombank tiếp tục đề xuất NHNN, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tăng vốn, tăng trưởng tín dụng.

Năm 2022, MSB đặt mục tiêu tài sản tăng 15%, lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25%, tùy thuộc vào phê duyệt của NHNN. Lãi trước thuế mục tiêu tăng hơn 30%, lên 6.800 tỷ đồng. Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, khả năng trong quý I/2022, tín dụng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng sau thời gian dài giãn cách do ảnh hưởng làn sóng Covid-19 thứ tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục trở lại. OCB cũng kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng không dưới 15% so với năm 2021.

Báo cáo một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng quý I/2022 của Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) vừa công bố cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong cả năm 2022.

Kiều hối tăng tốc dịp Tết Nguyên đán 2022

 Tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng kiều hối chảy về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do kiều bào có khoản tích lũy cả năm gửi về quê nhà cho người thân.

Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biển chủng mới gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia có lao động người Việt, nhưng không tác động nhiều đến lượng kiều hối đổ về Việt Nam.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kiều hối năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, khoảng 70% lượng kiều hối được gửi qua các tổ chức tín dụng, 28% gửi qua các công ty kiều hối, 2% gửi qua bưu điện. Ông Tú nhấn mạnh, dù kiều bào gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương. Lượng kiều hối gửi về không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Riêng tại TP.HCM, theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, ước tính cả năm 2021, Thành phố thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD kiều hối và từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, lượng kiều hối vẫn tiếp tục được chuyển về.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng văn phòng đại diện Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng tại TP.HCM phân tích, lượng kiều hối gia tăng mạnh trong năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022 một phần do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên những người ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân. Bên cạnh đó, một lượng lớn kiều hối chuyển về nước chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.   

Dự báo, năm 2022, kiều hối tiếp tục tăng khoảng 2,6%. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập. Bên cạnh đó, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi kinh tế phục hồi cũng có thể giảm lượng kiều hối.

Loạt ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh năm 2021: Khối cổ phần tư nhân tăng trưởng vượt trội

 Bức tranh lợi nhuận năm 2021 có sự khác biệt khá lớn giữa khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước và khối ngân hàng TMCP tư nhân.

Cụ thể, khối ngân hàng TMCP tư nhân có kết quả kinh doanh rất khả quan. Ngân hàng đầu tiên chính thức công bố kết quả kinh doanh năm 2021 là TPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020 và vượt hơn 4% so với kế hoạch.

Tại MSB, con số chính thức chưa được công bố, song ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng này ước đạt 5.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020.

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược, kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB tiết lộ, lợi nhuận năm 2021 là con số cao kỷ lục của VIB từ khi thành lập tới nay.

Không chỉ VIB, MSB hay TPBank, dữ liệu của một số công ty chứng khoán cho thấy, lợi nhuận quý IV/2021 của nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đều tăng trưởng tốt. Ví dụ, lợi nhuận của ACB tăng khoảng 26 - 27%, lợi nhuận của MB tăng 41 - 42%, lợi nhuận của VPBank tăng 45 - 46%, lợi nhuận của OCB tăng 35 - 36% trong quý IV/2021.

Trong khi lợi nhuận của khối ngân hàng TMCP tư nhân tăng trưởng ở mức cao, thì lợi nhuận của khối ngân hàng quốc doanh tăng chậm.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Agribank ước khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Trong khi đó, BIDV và VietinBank chỉ cho biết đã hoàn thành vượt mục tiêu lợi nhuận, chưa nêu con số cụ thể.

Mặc dù vậy, theo dự báo của một số chuyên gia, lợi nhuận quý IV/2021 của BIDV và VietinBank có thể giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, lợi nhuận cả năm của VietinBank sẽ tăng không đáng kể so với năm 2020, còn BIDV, với xuất phát từ nền thấp của năm 2020, sẽ tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn. Tương tự, Vietcombank cũng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lạc quan nhờ tín dụng tăng mạnh.

Năm qua, cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đều chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm lãi suất, giảm phí hỗ trợ khách hàng. Ước tính, mỗi ngân hàng thương mại quốc doanh đã giảm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán SSI), ngân hàng là ngành hiếm hoi tăng trưởng suốt thời gian dài vừa qua, kể cả trong 2 năm Covid-19 bùng phát. Ngoài hoạt động cốt lõi là tín dụng, ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn thu. Mặc dù vẫn còn ẩn số nợ xấu, song ông Đức cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng rất sáng sủa.

Sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng được coi là động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng năm 2022. Bà Trần Thu Hương nhận định: “Khi kinh tế phục hồi, ngân hàng sẽ là đầu tàu đầu tiên, kéo cả nền kinh tế phát triển”.

Hoạt động của ngân hàng TMCP: Đã có ngân hàng báo lỗ, VPBank công bố mua lại công ty chứng khoán

*Ngân hàng đầu tiên báo lỗ quý IV/2021:

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank – mã chứng khoán: BVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng. Đây là ngân hàng đầu tiên báo lỗ quý IV/2021. Tuy vậy, nhờ kết quả kinh doanh tích cực 3 quý đầu năm, BVB vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt trong cả năm 2021.

Cụ thể, lũy kế cả năm 2021, ngân hàng ghi nhận 1.435 tỷ đồng lãi thuần, tăng 30% so với năm 2020. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 71 tỷ đồng, tăng hơn 18%. Lãi thuần từ hoạt động kinhd oanh ngoại hối đạt 33 tỷ đồng, giảm gần 11%. Lãi thuần từ mua bán chứng hoán đầu tư đạt 142 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác chỉ tăng nhẹ. Do trích lập dự phòng của cả năm chỉ tăng 6,6% nên lợi nhuận trước thuế nămLợi nhuận sau thuế đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch.

 *ACB có Tổng giám đốc mới:

Ông Từ Tiến Phát chính thức được Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Á Châu (ACB) bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ACB, nhiệm kỳ 2022 – 2025 kể từ ngày 14/1. Có quá trình làm việc hơn 25 năm, ông Từ Tiến Phát từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng và đạt nhiều thành tựu trong công việc tại ACB. Tân Tổng Giám Đốc ACB khẳng định, ACB sẽ tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược kinh doanh đề ra, hướng đến hoàn thành 5 mục tiêu: Ngân hàng có trải nghiệm khách hàng tốt nhất; khẳng định vị thế hàng đầu của ACB trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ; phát triển mô hình kinh doanh năng động và hiệu quả; thu hút và phát triển nhân tài tạo nguồn nội lực mạnh, Khẳng định vị thế về chuyển đổi số.  

ABBank ước lãi 2.000 tỷ đồng trước thuế

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 1.979 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 121.620 tỷ đồng, con số dư nợ và huy động cuối kỳ đạt lần lượt 78.640 và 79.255 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 12.79%. Đồng thời, 2021 cũng là năm đầu tiên chỉ số hiệu quả lợi nhuận bình quân trên nhân viên ABBank vượt con số 500 triệu đồng.

Ngoài việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh, 2021 cũng đánh dấu nhiều sự kiện tích cực của ABBank như: hoàn thành kế hoạch tăng vốn giai đoạn 1 lên hơn 6.969 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 11 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho gần 2.000 cán bộ nhân viên đủ điều kiện và đang trong giai đoạn chia cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 35%.

Dựa trên những kết quả có tính bước ngoặt của năm 2021, ABBank tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2022. Việc hoàn tất tăng vốn lên gần 10.000 tỷ đồng sẽ là cơ sở để ABBank xây dựng các chiến lược kinh doanh thách thức hơn.

 Mua Chứng khoán ASC, VPBank chính thức quay lại mảng chứng khoán

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố thông tin về việc mua lại hơn 97% cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASC.

Thời gian qua, thông tin ASC sẽ “về một nhà” với VPBank đã được thị trường bàn tán khi công ty chứng khoán này chuyển trụ sở từ Tp.HCM ra tòa tháp VPBank Tower tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng mạnh vốn điều lệ thông qua chào bán gần 21,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên 268,8 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần). Như vậy, VPBank đang gia tăng hệ sinh thái trước thềm thương vụ bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài.

 OCB phát hành riêng lẻ hơn 882.000 cổ phiếu cho Aozora Bank

HĐQT Ngân hàng OCB vừa có nghị quyết thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được đại hội cổ đông thông qua trong kỳ đại hội thường niên 2021.

Cụ thể, OCB dự kiến chào bán hơn 882.000 cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) với giá 25.571 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian phát hành dự kiến là quý I/2022. Theo OCB, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Aozora đảm bảo đáp ứng tỷ lệ sở hữu của đối tác nước ngoài (Aozora) tối đa tại Ngân hàng. Nhưng hiện room ngoại tại OCB còn 10% và lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%.  

Tin liên quan
Tin khác