Thời sự
Đã cổ phần hóa 143 trong tổng số 432 DNNN
Quang Hưng - 28/12/2014 09:33
()  Hôm qua (27/12), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước tổng kết công tác năm 2014, phổ biến phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới là DNNN
Xóa 400 tỷ đồng tiền nợ của 3 DNNN giải thể
Tạo đột phá trong thoái vốn DNNN
Lương lãnh đạo DNNN: Trăm triệu không ai dị nghị
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước năm 2014.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2014, tổng doanh thu của các công ty mẹ đạt 917.570 tỷ đồng, tăng 22,08% so với kế hoạch và tăng 4,26% so với năm 2013. Tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn, tổng công ty đạt 107,16% so với kế hoạch và bằng 83,39% số thực hiện năm trước. Nộp ngân sách đạt 105,7% so với kế hoạch và đạt 90,2% so với thực hiện năm 2013.

Cả nước hiện có 796 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tổng tài sản hơn 2,85 triệu tỷ đồng (năm 2013), tăng 12% so với năm 2012, trong đó khối các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) có tổng tài sản hơn 2,63 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 15%, đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1%, lợi nhuận trước thuế đạt 181.530 tỷ đồng, tăng 15%, nộp ngân sách nhà nước tăng 23%. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2013 là 16,47%. Một số TĐ, TCT có tỷ suất này cao như Viettel, Cienco4, Khánh Việt, Tân Cảng Sài Gòn, PVN, Vinachem (có tỷ suất từ 20-42,7%).

Bộ Tài chính đánh giá mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các TĐ, TCT vẫn được duy trì, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt khá, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tính đến 25/12/2014 , cả nước đã cổ phần hóa 143 doanh nghiệp (gấp 2 lần năm 2013) trong tổng số 432 DNNN phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014- 2015.

Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa đang diễn ra tích cực tại các TĐ, TCT lớn như EVN, Vietnamairlines, Viettel, Vinatex, VNPT, Vinachem… Cùng với cổ phần hóa, việc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng mang lại lợi nhuận cho Nhà nước khi thoái hơn 6.050 tỷ đồng giá trị sổ sách (chiếm 30% tổng số vốn phải thoái và gấp 6 lần năm 2013) thì thu về hơn 8.000 tỷ đồng, tức là bán 1 đồng vốn nhà nước thì thu về được 1,3 đồng. Duy chỉ có việc thoái vốn trong lĩnh vực chứng khoán thì chỉ bằng 98% giá trị sổ sách.

Lãnh đạo các TĐ, TCT đều khẳng định trong năm 2015 sẽ hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng kiến nghị Chính phủ không nên “cực đoan” phải thoái vốn bằng mọi giá vì có những ngành có tiềm năng mang lại lợi nhuận hoặc đang mang lại lợi nhuận cho đồng vốn nhà nước.

Theo đó, Chính phủ có thể cho phép một tỷ lệ nhất định số vốn đầu tư ngoài ngành và kiểm soát qua hiệu quả lãi trên số vốn đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, tiến trình cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã đạt được những kết quả cao trong năm 2014; khẳng định chủ trương của Chính phủ là “thoái vốn ngoài ngành có trật tự. Khoản đầu tư nào càng để càng lỗ thì bán ngay, còn khoản nào có lãi thì thoái vốn có lộ trình”.

Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu DNNN vẫn còn có những tồn tại là: Tỷ lệ cổ phần hóa chưa đạt kế hoạch cần phải bán, lộ trình niêm yết doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán gặp khó khăn, một số Bộ, ngành triển khai chậm việc sắp xếp, ban hành điều lệ, quy chế tài chính của DNNN…

Phó Thủ tướng đề nghị các văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho DNNN phải được các Bộ, ngành ban hành chậm nhất là trong Quý I/2015. Trong tháng 1/2015, các TĐ, TCT, địa phương hoàn thành báo cáo việc rà soát danh mục cần phải cổ phần hóa để báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Các doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu rồi mà tỷ lệ bán vốn chưa đạt kế hoạch thì tiếp tục phải thực hiện, đồng thời nhấn mạnh các TĐ, TCT cố gắng không chuyển giao các đơn vị sự nghiệp về các Bộ, ngành mà trực tiếp cổ phần hóa các đơn vị này.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Nhật Bản có kế hoạch cho Việt Nam vay tiền để tái cơ cấu DNNN với lãi suất thấp và giao các Bộ, ngành liên quan đàm phán phương án cụ thể với đối tác và các DN đề xuất phương án tái cơ cấu khi có nguồn lực này.

Tin liên quan
Tin khác