Đầu tư Phát triển bền vững
Đa dạng các hoạt động tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam
Nguyễn Linh - 01/11/2023 21:12
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ tái hiện và phát huy bản sắc, hình thành những nét văn hóa đương đại của làng nghề truyền thống tại Việt Nam.

Tại cuộc họp báo về sự kiện tổ chức sáng 1/11, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đồng tổ chức cùng UBND TP. Hà Nội cho biết Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm nay sẽ có nhiều hoạt động đổi mới, trước đây chưa từng có.

Sự kiện kéo dài từ ngày 9 - 12/11/2023 với 3 hoạt động trọng tâm là Lễ vinh danh khoảng 100 nghệ nhân, thợ giỏi; Lễ khai mạc Festival dự kiến tổ chức vào tối ngày 9/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long; Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng trưng bày được thiết kế đặc biệt.

Cụ thể, tại Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga… 

Với quy mô 300 gian hàng, Hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình: Gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ, gốm Chu Đậu…

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ tại họp báo.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để thuận tiện cho khách tham quan giao dịch, gian hàng Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt. 

Trong đó có không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội với quy mô hơn 2000 m2, 80 gian hàng tiêu chuẩn được thiết kế đặc biệt mang đậm nét truyền thống;  Không gian trưng bày giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Thêm vào đó là Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quốc tế; Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023; Không gian làng nghề di sản; Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền; Khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu; Gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề của các địa phương trên cả nước…

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh tại Hà Nội.

Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP cũng không kém phần đặc sắc, khu này sẽ trưng bày ẩm thực đặc sản các vùng miền của từng địa phương và giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm tạo cơ hội cho khách hàng đến tham quan, giao dịch và tham gia các hoạt động Festival…

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội kỳ vọng thông qua Festival sẽ tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề.

“Hà Nội cũng mong muốn Festival sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.", ông Nguyễn Văn Chí bày tỏ.

Một số hoạt động hưởng ứng Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội thực hiện từ ngày 9 - 12/11/2023:
- Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống.
- Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.
- Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ.
- Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.
Tin liên quan
Tin khác