Viễn thông - Công nghệ
Đã đến lúc mở khóa tiềm năng công nghệ 5G
Rita Mokbel - 06/10/2024 10:39
Công nghệ 5G sẽ mở ra một “siêu xa lộ số” để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam chia sẻ về sức mạnh của công nghệ 5G tại Hội thảo Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam, do Báo Đầu tư tổ chức.

5G - khai mở tiềm năng tương lai

Trong 5 đến 10 năm nữa, chúng ta có thể hình dung ra một tương lai rất khác, một thế giới mà ở đó, chúng ta sẽ nhận được cốc cà phê do máy bay không người lái chuyển đến trong lúc đang di chuyển trên đường đi làm; chúng ta có thể ngồi ngay tại đất nước mình để vận hành các cơ quan, tổ chức trên toàn cầu; các diễn giả có thể thuyết trình từ xa; cây cối sẽ thông báo cho người chủ biết khi nào chúng cần nước…

Tất cả những điều này sẽ trở thành hiện thực với sức mạnh của công nghệ 5G. Các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ, nhà mạng viễn thông, xã hội đều có những cơ hội to lớn ở trước mắt. Để hiện thực hóa điều đó, chúng ta cần chung tay xây dựng hệ sinh thái, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số.

Quá trình chuyển đổi số cũng cần một giải pháp “vạn năng” để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Giải pháp này sẽ hỗ trợ các Chính phủ, các xã hội khai phóng những tiềm năng, hỗ trợ các nhà cung cấp giải pháp phát triển nền kinh tế số, như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)… và một trong những yếu tố quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số chính là kết nối.

Nghiên cứu do Ericsson thực hiện cho thấy, tăng trưởng 10% về băng thông di động sẽ giúp GDP tăng khoảng 0,08%.

Chính phủ các nước đã đầu tư vào hạ tầng vật lý (đường cao tốc, cảng biển…) để phát triển nền kinh tế như hiện nay và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 5G như một hạ tầng kết nối quan trọng, một “siêu xa lộ số” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Chính phủ Ấn Độ triển khai 5G mạnh mẽ và nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu với 446.000 trạm gốc 5G trong thời gian chưa đầy 19 tháng. Đến nay, Ấn Độ đã phủ sóng 5G trên 90% dân số, đạt hơn 119 triệu thuê bao 5G, mức độ sử dụng dữ liệu 5G lớn nhất với hơn 21 GB dữ liệu/đầu thuê bao 5G.

Từ vị trí thứ 86, Ấn Độ đã vươn lên vị trí số 16 về xếp hạng toàn cầu liên quan tới hiệu năng của mạng 5G. Tại Ấn Độ, 5G đang được coi là hạ tầng số quốc gia trọng yếu và đến năm 2040 sẽ tương ứng với nền kinh tế số có quy mô khoảng 455 tỷ USD.

Malaysia cũng đã phủ sóng hơn 80% dân số về 5G và nằm trong top 3 quốc gia trên thế giới về triển khai 5G cũng như hiệu năng mạng 5G. Malaysia cho rằng, 5G sẽ đóng góp 28 - 35 tỷ USD vào nền kinh tế số của quốc gia này từ nay đến năm 2030. Đó chính là hiệu quả mà 5G mang lại cho nền kinh tế.

Nói đến 5G, mọi người có thể nghĩ về mạng Internet băng thông, hay một hệ thống băng rộng di động, nhưng sự thật, sức mạnh của 5G vượt xa hơn rất nhiều tốc độ kết nối, đặc biệt khi nó được kết hợp với công nghệ điện toán đám mây và AI. Ví dụ, phẫu thuật từ xa hiện sử dụng cánh tay robot có tốc độ kết nối cao và độ trễ siêu thấp của mạng 5G, sao cho dữ liệu có thể truyền tải theo thời gian thực, không có độ trễ giữa bác sĩ đang thực hiện di chuyển và cánh tay robot ở đầu xa để đáp ứng với di chuyển cánh tay của bác sĩ.

Công nghệ AI và điện toán đám mây sẽ được triển khai trên quy mô lớn hơn khi 5G được thương mại hóa rộng rãi.

Để triển khai, chính phủ đóng vai trò rất quan trọng, với việc xây dựng khung khổ chính sách, loại bỏ các rào cản, hỗ trợ các nhà mạng triển khai 5G về cả quy mô và tốc độ. Chúng tôi nhận thấy, tại Việt Nam, Chính phủ đang hỗ trợ rất mạnh mẽ cho các nhà mạng viễn thông và xác định 5G như một hạ tầng quốc gia quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển trong thời gian tới.

5G đang mang đến lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia tiên phong và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại những đất nước này. Chúng tôi hy vọng, những tác động đó sẽ được hiện thực hóa ở Việt Nam.

Mạng 5G sẽ sớm được thương mại hóa tại Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà mạng ở trong nước đã bắt đầu triển khai các công đoạn để vận hành thương mại, sau khi được phân bổ tần số. Có thể, thương mại hóa 5G sẽ chính thức được triển khai tại Việt Nam vào cuối năm nay, thậm chí sớm hơn. Khách hàng của Ericsson là các nhà mạng viễn thông và chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với nhà mạng tại Việt Nam để mang lại lợi ích từ 5G.

Đối với người tiêu dùng, 5G mang lại nhiều lợi ích như thụ hưởng giáo dục đào tạo từ xa chất lượng hơn, kết nối nhanh hơn, tương tác chơi game và trải nghiệm chất lượng video tốt hơn…

Theo một nghiên cứu mà Ericsson đã thực hiện, các nhà mạng viễn thông sử dụng 5G sẽ nâng được mức độ hài lòng của khách hàng tới 10% so với sử dụng các công nghệ mạng di động thế hệ trước. 5G không giới hạn cho thuê bao thông thường, mà sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp triển khai. Khi được các nhà mạng viễn thông cung cấp mạng 5G riêng, với kết nối tốt hơn, thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy… 

Ví dụ, các nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo khi triển khai 5G đã tăng năng suất lao động 20%, giảm công sức người lao động 65% và giảm lãng phí tới 32%...

Với thị trường Việt Nam, chúng tôi tin rằng, có thể chuyển đổi trong lĩnh vực y tế, từ các dịch vụ y tế trực tiếp thành những dịch vụ y tế trực tuyến.

5G mang lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực như sân bay, cảng biển, y tế... Trong đó, theo chúng tôi, ở Việt Nam, ngành được hưởng nhiều nhất từ 5G chính là ngành sản xuất tại các khu công nghiệp. Cụ thể, 5G giúp doanh nghiệp nâng mức độ tự động hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, 5G giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và kỹ năng của người lao động, từ đó giúp thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Chờ đón những cơ hội kinh doanh mới

4G gắn liền với sự ra đời của nhiều ứng dụng như Uber, Grab, Facebook, Instagram… Với 5G, chắc chắn sẽ có thêm những đổi mới sáng tạo, những ứng dụng mới đòi hỏi tốc độ cao, độ trễ thấp.

Ngoài ra, mô hình truy cập vô tuyến cố định (FWA) cũng ngày càng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo dự báo của Ericsson, thuê bao cố định sẽ tăng lên 330 triệu thuê bao vào năm 2029.

Một trong những use case của 5G là chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua việc phân vùng mạng dành riêng (private network), rất phù hợp với doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau. Đó sẽ là cơ hội mới, nguồn thu mới cho các nhà mạng viễn thông khi họ cung cấp giải pháp kết nối cho doanh nghiệp.

Từ trước đến nay, các nhà mạng chỉ tập trung vào thuê bao cá nhân, nhưng với 5G, thì các nhà mạng có thể tiếp cận thị trường doanh nghiệp, số hóa các doanh nghiệp, từ đó tạo ra nguồn doanh thu mới. Hơn thế, các nhà mạng viễn thông sẽ trở thành nền tảng của sự đổi mới sáng tạo khi họ mở nền tảng mới 5G cho các nhà phát triển giải pháp ứng dụng.

Ericsson đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà mạng viễn thông hàng đầu để hỗ trợ nhà mạng viễn thông Việt Nam mở hạ tầng 5G thông qua API mở. Cụ thể, các nhà mạng viễn thông Việt Nam cho phép các nhà phát triển giải pháp, các đối tác của họ kết nối API vào mạng 5G để đưa ra các giải pháp mới, đổi mới sáng tạo hơn.

Mới đây, Ericsson ra mắt chương trình hợp tác với các nhà mạng viễn thông trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi sẽ tăng tốc độ mạng mở có thể lập trình được, có thể kết hợp API và bán API cho các nhà mạng phát triển. Họ có thể kết nối API với hạ tầng 5G của các nhà mạng để phát triển ra các ứng dụng mới. Sắp tới, chúng ta sẽ thấy mô hình các “Facebook mới”, “Uber mới”, “Instagram mới”… với các tính năng mới trên nền tảng 5G. Qua đó, có thể thấy rõ, sức mạnh sáng tạo trên hệ sinh thái mở API 5G rất khổng lồ.

Là đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực hạ tầng mạng 5G, Ericsson có thể hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Hiện trên thế giới có hơn 200 mạng 5G thương mại, trong đó, Ericsson hỗ trợ triển khai 166 nhà mạng, chiếm trên 50% các giải pháp trên thế giới. Hơn 50% nền tảng công nghệ 5G trên thế giới chạy trên hạ tầng của Ericsson. Ericsson cũng được các đơn vị viễn thông, các tổ chức nghiên cứu thị trường như Gartner, Frost Radar, Gartner Magic Quadrant vinh danh là nhà cung cấp giải pháp hàng đầu. Ericsson đã đạt được nhiều thành tựu, chúng tôi vẫn đang phát triển không ngừng để mang lại những đổi mới sáng tạo cho các khách hàng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Ericsson vinh dự được lựa chọn, được trở thành đối tác của các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam. Đầu tiên, chúng tôi hỗ trợ nhà mạng viễn thông chuyển đổi từ 4G sang 5G và trong dài hạn sẽ là mạng 5G thuần túy. Trong quá trình triển khai, sẽ không có sự gián đoạn cho khách hàng, đảm bảo hiệu năng cao nhất cho các nhà mạng viễn thông trong nước, các ứng dụng sẽ trở thành yếu tố hết sức quan trọng trong hệ sinh thái 5G.

Chúng tôi cũng hợp tác với các nhà mạng để tăng tốc độ chuyển đổi cũng như tạo cơ hội để họ có thể học hỏi kinh nghiệm thành công từ các nước, từ đó phát triển ra các ứng dụng riêng cho thị trường Việt Nam. Để thực hiện được điều đó, chúng ta cũng cần lực lượng lao động phù hợp, năng lực phù hợp. Do vậy, Ericsson đang hợp tác với một số trường đại học của Việt Nam để xây dựng các chương trình đào tạo giúp sinh viên tiếp cận công nghệ mới nhất như 5G, blockchain, AI, điện toán đám mây…, từ đó có thể sáng tạo và viết ra các ứng dụng mới cho thị trường Việt Nam.

Việt Nam đang ở thời khắc rất quan trọng, dấu mốc quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế số. Tôi tin rằng, 5G sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế số. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông trong hành trình đó. Ngoài ra, cùng với các đối tác, chúng tôi sẽ xây dựng hệ sinh thái giúp Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa kinh tế số, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Chúng tôi sẽ kết hợp kinh nghiệm toàn cầu của Ericsson với các thử nghiệm của các nhà mạng viễn thông Việt Nam, đảm bảo quá trình triển khai 5G liền mạch, thông suốt nhất. Cơ hội lớn đang mở ra với Chính phủ, các nhà mạng viễn thông, các doanh nghiệp trong hành trình phát triển nền kinh tế số.

Tin liên quan
Tin khác