Nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày- túi xách đã có đơn hàng đến hết quý I/2022 |
Đơn hàng đến tháng 8/2022
“Tại thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày- túi xách đã có đơn hàng đến hết quý I/2022, thậm chí có doanh nghiệp có đơn hàng đến hết tháng 8/2022”, đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) xác nhận. Đây là tin vui đối với ngành da giày - túi xách khi năm 2021 là năm tăng trưởng thấp nhất của ngành trong nhiều năm gần đây do tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà xưởng lớn phía Nam phải tạm ngưng sản xuất.
Kết thúc năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày - túi xách vẫn tăng 5,2% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%, đạt 20,78 tỷ USD, trong đó giày dép tăng 4,6%, đạt 17,9 tỷ USD. Xuất khẩu tại thị trường Bắc Mỹ đạt mức tăng mạnh nhất (19,6%), tiếp đến là châu Âu (10,8%) và châu Đại Dương (8,9%).
- Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày - túi xách tăng 5,2% so với cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%, đạt 20,78 tỷ USD.
- Năm 2022, ngành đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu
10-15%.
Nguồn: Lefaso
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso khẳng định, đó là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… (những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp lớn và chiếm gần 70% sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành) phải đóng cửa suốt thời gian dài.
Thời điểm quý III/2021 là thê thảm nhất với các doanh nghiệp da giày - túi xách. Tháng 8/2021, xuất khẩu giày dép đạt 836,08 tỷ USD, giảm 40,2% so với tháng 7/2021 và giảm 39,5% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, xuất khẩu giày dép chỉ đạt 700 triệu USD, giảm đến 44,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhưng từ tháng 10 trở đi, khi các tỉnh, thành phố phía Nam mở cửa trở lại, sản xuất phục hồi nhanh, tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất được cải thiện, xuất khẩu 3 tháng cuối năm “tăng tốc” để toàn ngành da giày - túi xách về đích với tăng trưởng dương.
Dư địa tăng trưởng còn lớn
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong năm 2021 với hơn 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới. Sự tin tưởng của các nhà mua hàng toàn cầu, những tập đoàn giày dép lớn đã khẳng định tên tuổi của các nhà xuât khẩu Việt Nam.
Trong những năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch (liên tục trong nhiều năm tăng ở mức 2 con số), tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm gần nhất đạt 13%/năm. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Báo cáo tài chính của Hãng giày Nike (Mỹ) cho biết, năm 2021, có đến 51% số giày thể thao của Hãng được sản xuất tại Việt Nam, trong khi tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 21%, so với mức 35% vào năm 2006.
Trước năm 2010, Trung Quốc là nước sản xuất các sản phẩm giày Nike lớn nhất, nhưng hiện nay, hơn một nửa lượng giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Thực tế, Nike không phải là đại diện duy nhất dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đối thủ lớn nhất của họ là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam trở thành lựa chọn cho các ông lớn ngành đồ thể thao trong những năm qua, bởi chính sách ưu đãi thuế và lao động cạnh tranh. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo thuận lợi thương mại cho các hãng giày, họ được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike cho biết, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Với chiến lược sống an toàn với dịch bệnh và độ phủ vắc-xin cao tại Việt Nam, Nike vẫn đặt niềm tin và lạc quan với chuỗi cung ứng không còn bị đứt đoạn. Hiện tại, các nhà máy Nike tại Việt Nam đã quay lại hoạt động bình thường và thực hiện các đơn hàng trong năm 2022.