Doanh nghiệp
Đã kiểm soát 8/36 container điều xuất khẩu sang Italia
Thế Hải - 18/03/2022 10:31
Đã có 8/36 container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến số container nhân hạt điều còn lại do nguy cơ bị mất trắng.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, giai đoạn tiếp theo doanh nghiệp phải làm đủ thủ tục giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ kiện, đồng thời phải chứng minh được có dấu hiệu lừa đảo để Bộ Công an điều tra.

Chiều 17/3, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã chủ trì cuộc họp về việc doanh nghiệp xuất khẩu điều sang Italia bị vướng mắc thanh toán với Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas).

Thông tin về vụ việc này, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực của Vinacas cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ ngành, cơ quan thương vụ ở Italia, Mỹ..., tới nay 8/36 container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến số container nhân hạt điều còn lại, bởi tất cả có nguy cơ bị mất trắng do có dấu hiệu bị lừa đảo".

Đối với số container đã được kiểm soát, các doanh nghiệp mong muốn Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục chỉ đạo các Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hỗ trợ giải quyết về mặt pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp lấy được hàng.

Tham tán thương mại tại Italia, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu, Thương vụ đã nhanh chóng làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan. Khi Thương vụ đến, đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng, người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để nhận các container này. Tuy vậy, để có thể điều phối hàng ngược trở lại Việt Nam hoặc bán cho khách hàng khác, hãng tàu yêu cầu doanh nghiệp Việt phải xuất trình được chứng từ gốc.

Về phương án xử lý những container hàng đang được kiểm soát, nhưng phía doanh nghiệp Việt lại mất chứng từ gốc, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu điều đi Italia đề xuất là trong khi chờ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý khởi kiện doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp được cược hàng với giá trị 100% (mỗi container hàng có giá trị 200.000 USD).

Theo các doanh nghiệp, do điều là thực phẩm, nếu thời gian lưu tại cảng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, nên doanh nghiệp đang xin các hãng tàu cho cược hàng. Tuy vậy, hãng tàu yêu cầu cược hàng với giá trị gấp đôi, thời gian trong vòng 6 năm. Đây là yêu cầu bất khả thi với doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas, kể từ khi sự việc xảy ra, Bộ Công thương đã vào cuộc nhanh và quyết liệt, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dừng không giao bộ chứng từ gốc, đòi được một số bộ chứng từ chuyển ngược lại Việt Nam. Tuy vậy, đối với các hãng tàu là lĩnh vực của ngành vận tải, nên Vinacas đề nghị Bộ Công thương đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức một buổi làm việc trực tiếp cho doanh nghiệp đối thoại với hãng tàu để tìm hướng giải quyết.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, Bộ Công thương đã vào cuộc ngay từ đầu để hỗ trợ doanh nghiệp và đến nay tạm thời kiểm soát được 8 container hàng tại Italia.

Bước tiếp theo, Bộ trưởng Bộ đã gửi 4 công thư cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Kinh tế của Italia, Bộ Kinh tế Tài chính, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia và Đại sứ quán Italia tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ xem xét việc này phù hợp theo quy định của pháp luật.

“Về mặt pháp lý, chúng ta đã có thư của Bộ trưởng Bộ Công thương. Trên thực địa, các Tham tán tại Iatalia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã vào cuộc rất nhanh theo đề nghị của hiệp hội, doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng ta hiện mới nghe và suy luận theo một chiều đây là hành vi lừa đảo. Song yếu tố cấu thành hành vi lừa đảo chưa xuất hiện do doanh nghiệp bên phía Italia chưa lấy hàng, chứng từ họ cũng chưa nhận được nên không thể kiện được”, ông Chinh nói.

Đối với những lô hàng đã giữ lại được thì theo thông lệ ở Italia cũng như các nước, sẽ giữ lại trong thời gian nhất định nếu không có người nhận hàng sẽ bị đưa vào diện hàng vô chủ và bán thanh lý trả tiền lưu kho, lưu bãi. Bởi vậy, giai đoạn tiếp theo doanh nghiệp phải làm đủ thủ tục giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ kiện, chứng minh được có dấu hiệu lừa đảo để Bộ Công an điều tra, thông qua Interpol xem khả năng bị lừa đảo ra sao.

Trước đó, Vinacas nhận được “đơn kêu cứu" của 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều. Theo nội dung đơn kêu cứu, 5 doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với một số khách hàng Italy thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tới thời điểm này, một số container đã tới cảng. Vài ngày nữa và trong tháng 3, toàn bộ số container này sẽ cập bến cảng Italy. Một khó khăn là các container này đều đến các cảng nhỏ lẻ tại Italia và rải rác nhiều địa điểm chứ không tập trung ở một cảng lớn.

Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua, ngân hàng tại Italia thông báo họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng chỉ là chứng từ photocopy, không phải bản gốc.

Còn tại ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ thì đều có sự thay đổi về số Swift (mã định danh nhận diện ngân hàng). Do đó, các ngân hàng này thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ cho phía Việt Nam, nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù phía ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng không có trả lời.

Được biết, doanh nghiệp này do người phụ nữ tên Hạnh (Việt kiều Mỹ) làm chủ, có thâm niên trên 10 năm hoạt động và chưa xảy ra sự cố gì, vì thế, không có lý do gì để cảnh báo và rất khó để lường trước hoặc không làm việc với người này. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố, một số doanh nghiệp đã có đơn với nội dung cho rằng Kim Hạnh Việt có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng, đây mới chỉ là nghi ngờ chứ chưa có cơ sở khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác