Fesstival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra từ 30/12/2015 - 3/1/2016. Tuy nhiên vùng đất này không chỉ nổi tiếng về hoa mà còn là không gian của sáng tạo với những công trình kiến trúc độc đáo. Du khách tìm về Đà Lạt để tận hưởng không gian phóng khoáng với lối kiến trúc tự do, khác lạ, trốn sự ngột ngạt của không gian sống kín mít và vuông vức của những ngôi nhà cao tầng.
Tới Đà Lạt, những người khách lần đầu, đặc biệt là khách nước ngoài sẽ không thể bỏ qua biệt thự Hằng Nga (Crazy House) bởi lối kiến trúc đặc biệt của nó. Chủ nhân ngôi nhà là bà Đặng Việt Nga, con gái cố Tổng bí thư Trường Chinh.
“Niềm yêu mến Đà Lạt bắt nguồn trong tôi từ khi 2 miền Nam, Bắc còn chia cắt. Cách sống lãng đãng, phong cảnh tuyệt đẹp và đặc biệt là những ưu đãi của thiên nhiên đã khiến tôi có mong ước khi nào thống nhất sẽ nhất định vào Đà Lạt sống”, bà Nga tâm sự.
Là một kiến trúc sư đã thiết kế nhiều công trình của Đà Lạt như Cung Thiếu nhi, nhà thờ Liên Khương, Nhà nghỉ Công đoàn. Ý tưởng làm một công trình kiến trúc độc đáo được bà Nga ấp ủ từ lâu. Khởi điểm của Crazy House bắt đầu từ năm 1980 với mục đích là khu nhà ở dành cho gia đình, nhưng với kiến trúc không theo khuôn đúc vuông vức mà phóng túng tự do, sau nhiều lần phác thảo, ngôi nhà điên (Crazy House) đã ra đời và trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút trung bình 500 khách/ngày, vào những dịp cao điểm, lượng khách đến thăm biệt thự này lên đến hàng nghìn khách/ngày, trong đó 60% là khách nước ngoài.
Điều đặc biệt ở ngôi biệt thự này là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tuỳ hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn, cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục. Từ trên ban công hay từ những ô cửa sổ, du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào.
Công trình này cùng với 9 công trình khác trên thế giới đã lọt vào Top 10 công trình kỳ dị nhất do Tạp chí People’s Daily bình chọn năm 2009.
Bà Nga cũng cho biết, thời gian tới, biệt thự Hằng Nga sẽ được mở rộng từ 2.400 m2 lên 4.300 m2, nối liền thành một quần thể kiến trúc. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có nhiều phòng họp, khiêu vũ... Mỗi căn phòng sẽ mang tên một con vật hay loài cây và tên các nước trên thế giới.
“Thăm công trình này tôi xúc động lắm. Đà Lạt như một thành phố trong lòng châu Âu và như một Paris thu nhỏ. Tôi cảm thấy công trình này không phải sáng tạo đơn giản, mà xuất phát từ tấm lòng, trái tim của người chủ ngôi nhà. Xem những căn phòng, chúng ta cảm thấy có sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên và sự cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên. Thực sự đến đây, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, nhưng tất cả đều có chung cảm nhận được cái hồn trong đó”, bà Anastasia Patentova, du khách người Nga nói.
Nếu nói Đà Lạt là một Paris thu nhỏ thì công trình kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm sẽ là một điểm nhấn không thể bỏ qua.
Trước năm 1975, đây là Trường Trung học Lycée Yersin. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1927, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1933, do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế. Điểm nhấn của công trình là dãy nhà hình vòng cung 3 tầng và 1 tầng áp mái, dài gần 90 m, mái lợp ngói đá màu xanh đen, mặt tiền được ốp gạch trần đỏ, một đầu hồi của tòa nhà là tháp chuông cao 54m. Đây là 1 trong 1.000 công trình được Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là công trình xây dựng độc đáo nhất thế kỷ 20. Năm 2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc Quốc gia.
“Khối nhà cong có kiến trúc độc đáo như trang sách mở ra, có hình tháp chuông liên tưởng đến cây viết. Hơn 80 năm qua, công trình này vẫn giữ được độ vững bền. Đặc biệt, tháp chuông có ngói đá được chở từ Pháp sang vẫn được giữ nguyên vẹn. Mỗi viên đá có hình chữ nhật, độ dày khoảng 3-4 cm được đục lỗ và cột bằng dây kẽm”, thầy Vũ Đình Sơn, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của Trường cho biết.
Cũng theo thầy Sơn, công trình này hiện được mở cửa tự do cho khách vào tham quan miễn phí những ngày cuối tuần và ngoài giờ hành chính. Vào dịp lễ, tết, mỗi ngày công trình này thu hút tới 400 khách.
Để có thể khám phá toàn bộ lịch sử Đà Lạt thì đường hầm dài 1,2 km với những tác phẩm điêu khắc tái tạo gần như toàn bộ lịch sử 300 năm TP. Đà Lạt tại Khu du lịch Sao Đà Lạt sẽ là địa chỉ mà du khách không thể bỏ qua. Công trình này được mô tả như một con rồng, dọc thân là những công trình kiến trúc cổ của Đà Lạt.