Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát biểu tại một Tọa đàm về báo chí (Ảnh: VNN) |
Đầu tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát 4 lần, nhưng nhờ sự chủ động từ công tác chuyên môn đến truyền thông, tâm lý của người dân Đà Nẵng từ trạng thái lo lắng, hoang mang dần được ổn định; sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương và lãnh đạo Thành phố được xuyên suốt, cụ thể, hiệu quả. Trong đóng góp chung đó, lực lượng báo chí trên địa bàn Đà Nẵng như “những cánh én nhỏ, làm nên mùa xuân”.
Đặc biệt, những việc làm hay, những tấm lòng thơm thảo mang tính cộng đồng của nhân dân Đà Nẵng được báo chí phát hiện và chia sẻ thông tin, lan tỏa thông điệp yêu thương, tinh thần đoàn kết. Các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia về tinh thần, vật chất của người dân TP. Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp…
Thưa bà, Đà Nẵng đã chuẩn bị như thế nào để có những thông tin nhanh, đúng, trúng cung cấp qua các kênh thông tin đến với bạn đọc trong và ngoài nước để họ có cái nhìn chính xác và sẻ chia khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát?
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đưa thông tin đến với người dân kịp thời, công khai và đầy đủ, Đà Nẵng ngay lập tức thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố. Từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, Đà Nẵng đã thành lập Tiểu ban Truyền thông của Ban Chỉ đạo (thành viên là lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố; Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở: Y tế, Ngoại vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng, Tổ công tác thông tin báo chí Thành phố).
Từ đây, việc cung cấp thông tin cho báo chí được các thành viên phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, trách nhiệm, liên tục, hỗ trợ rất lớn cho công tác cung cấp thông tin về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hàng ngày, Tiểu ban tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin dịch tễ, thông cáo báo chí về tình hình phòng chống dịch bệnh cho báo chí để thực hiện chức năng thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh của Thành phố.
Cùng với vai trò là Tiểu banTruyền thông phòng chống Covid-19 Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông còn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông thông qua hệ thống thông tin cở sở (hệ thống truyền thanh quận, huyện, phường, xã; các điểm loa phục vụ an toàn giao thông của thành phố; loa tuyên truyền di động của các phường, xã đến tận khu dân cư, các chợ…).
Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (đơn vị thuộc Sở) tăng cường thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, gửi tin nhắn đến người dùng tại Đà Nẵng có ứng dụng Zalo các thông tin cần biết về công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng còn triển khai xây dựng Ứng dụng
Biểu đồ số liệu về tình hình dịch bệnh Covid-19 (tại địa chỉ https://solieucovid19.danang.
gov.vn) để cung cấp thông tin tổng thể và trực quan phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống Covid-19 của UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố và các cơ quan, địa phương. Ứng dụng xử lý dữ liệu và hiển thị biểu đồ một cách tự động (linh hoạt hiển thị trên website, điện thoại di động, tivi...) để thuận tiện trong việc đánh giá, nhận định tình hình dịch bệnh.
Có thể thấy, tất cả kênh thông tin đã được vận dụng cho hoạt động tuyên truyền, phòng chống Covid-19 tại Đà Nẵng, thưa bà?
Không những vận dụng, mà Sở Thông tin và Truyền thông đã sử dụng triệt để, hiệu quả các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội, tin nhắn, infographic (có nội dung cô đọng, dễ hiểu về các chỉ đạo phòng chống dịch), nên người dân, du khách tại Đà Nẵng luôn được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin. Có thể nói, báo chí - truyền thông đã hỗ trợ rất hiệu quả và sát cánh cùng chính quyền Thành phố phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng (thứ hai, từ phải sang) cùng đại diện Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng trao quà cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Qua công tác theo dõi báo chí chuyên đề về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng, trong các đợt dịch vừa qua, hàng ngày có 87 - 100 thông tin, thậm chí có ngày có trên 200 thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố.
Riêng trong lần dịch thứ tư (từ đầu tháng 5 đến nay), chúng tôi ghi nhận có gần 3.500 thông tin trên báo chí đăng tải về công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hệ thống loa truyền thanh và loa công cộng trung bình mỗi ngày phát khoảng 150.000 phút thông tin về phòng chống Covid-19; hơn 495.000 người có smartphone đã cài đặt Bluzone, cao nhất cả nước; hơn 864.000 lượt người khai báo y tế qua ứng dụng; công tác phòng, chống dịch của Thành phố được tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo cho hơn 22 triệu tài khoản…
Điều đó cho thấy, việc cung cấp thông tin cho báo chí của Tiểu ban Truyền thông phòng chống Covid-19 Thành phố và của Sở Thông tin và Truyền thông đến với báo chí cũng như hệ thống thông tin cơ sở của Thành phố là rất lớn, hỗ trợ quan trọng trong công tác phòng chống dịch của địa phương, thông tin đến với nhân dân được kịp thời, đầy đủ.
Trong bối cảnh dịch bệnh, những thông tin không chính xác từ mạng xã hội có thể khiến dư luận hoang mang. Bà có thể chia sẻ, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đã có những giải pháp gì để chủ động về nguồn thông tin phòng chống Covid-19 cung cấp cho báo chí chính thống?
Như đã chia sẻ ở trên, Sở Thông tin và Truyền thông là thành viên Ban Chỉ đạo và Tiểu ban Truyền thông phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố. Theo đó, mọi công tác phối hợp để cung cấp thông tin chính thống cho báo chí luôn đáp ứng yêu cầu: đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhờ đó, người dân sẽ được tiếp cận thông tin kịp thời, đầy đủ hơn.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, sở, ngành khuyến khích người dùng mạng xã hội của địa phương, đơn vị chia sẻ, lan tỏa những câu chuyện đẹp, cách làm hay trong phòng chống dịch bệnh Covid-19… Theo đó, sự cộng hưởng thông tin tích cực được lan tỏa nhiều hơn, người dân càng tin tưởng và hành động có trách nhiệm, sát cánh cùng Thành phố phòng chống đại dịch.
Từ thông tin phản ánh về dịch bệnh Covid-19, có thể thấy, báo chí và mạng xã hội đang song hành phát triển. Tuy nhiên, để không bị “vàng thau lẫn lộn”, theo bà, mỗi người làm báo cần trang bị những hành trang gì để luôn là người làm báo chân chính và giữ được thương hiệu của tờ báo chính thống?
Qua công tác phòng chống dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, chúng tôi nhận thấy, sự đóng góp của báo chí cho công tác phòng chống dịch bệnh rất đáng kể. Lượng thông tin lan tỏa, kịp thời, trách nhiệm đã thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên, vẫn còn một vài tờ báo đã thông tin chưa thật sự trách nhiệm như giật tít câu view, đưa thông tin chủ quan, suy diễn, không đúng tôn chỉ mục đích…, làm ảnh hưởng chung đến hoạt động của giới báo chí nói chung.
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, với sự quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các địa phương về công tác quản lý báo chí; sự nhìn nhận, đánh giá của xã hội với từng bài báo, thông tin báo chí, sẽ đánh giá đúng về thương hiệu, tên tuổi của một đơn vị báo chí. Nếu người làm báo đi ngược lại trách nhiệm, sứ mệnh của Báo chí Cách mạng Việt Nam, thì dần dần bạn đọc sẽ quay lưng.
Thông qua Báo Đầu tư, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin được gửi đến lực lượng báo chí hoạt động và tác nghiệp tại Đà Nẵng lời cảm ơn chân thành vì đã luôn sát cánh cùng Thành phố trong mọi hoạt động, trong đó có những nỗ lực rất lớn phòng chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19.