Đà Nẵng đang được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn là điểm đến đầu tư |
Thu hút FDI chưa tương xứng với tiềm năng
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, trong nửa đầu năm 2023, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đà Nẵng đạt thấp, các dự án cấp mới đều có quy mô nhỏ lẻ. Nhiều tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.
Được biết, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước luôn được Đà Nẵng quan tâm và chú trọng, Thành phố thành lập riêng một đơn vị thuộc UBND thành phố trong việc kêu gọi và xúc tiến đầu tư. Song, tình hình thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng không mấy khả quan, khi chỉ thu hút được 27,3 triệu USD, trong đó cấp mới 64 dự án, tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD, đạt 46,3% so với cùng kỳ năm 2022.
“Con số này không như kỳ vọng, chủ yếu là dự án nằm ngoài khu công nghiệp, quy mô nhỏ lẻ”, bà Tâm cho hay.
Theo bà Tâm, nguyên nhân là các tập đoàn lớn trên thế giới bị ảnh hưởng chung của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nên đang cẩn trọng xem xét đầu tư lớn vào Việt Nam. Nguyên nhân nữa là sau đại dịch Covid-19, đầu tư toàn cầu giảm mạnh, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao. Từ đó, tâm lý của nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới để giảm thiểu rủi ro và bảo toàn vốn.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường, thông minh, công nghiệp công nghệ cao, nên việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp cũng cần có sự chọn lọc kỹ công nghệ, xem xét kỹ về quy mô và đánh giá về tác động môi trường.
Bà Tâm cũng cho biết, một số quy định của Trung ương vẫn còn thiếu tính thống nhất trong chính sách về đất đai, xác định giá đất khi lựa chọn nhà đầu tư, hành lang pháp lý về đấu thầu, một số lĩnh vực chuyên ngành chưa được đầy đủ.
Ngoài ra, Thành phố đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu và đang chờ kết quả. Do vậy, các vấn đề về quy hoạch, đất đai… chưa đảm bảo sẵn sàng để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án ngay.
“Quá trình kêu gọi nhà đầu tư đối với một số dự án Thành phố đã có quỹ đất sạch, nhưng thủ tục triển khai khá dài, từ bước lập quy hoạch đến phương án đấu giá, xác định giá. Nếu là đất ven biển thì phải thêm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nên vừa qua, Thành phố bị chậm đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số dự án”, bà Tâm nêu.
Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn nước ngoài đang quan tâm đến các dự án ở Đà Nẵng như cảng Liên Chiểu, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II, một số dự án trung tâm thương mại đã có đất sạch, một số dự án đầu tư vào khu công nghệ cao ở các lĩnh vực điện tử, thiết bị y tế, trung tâm dữ liệu…
Để triển khai thu hút đầu tư trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Đồng thời, Thành phố khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu.
Các sở, ngành sẽ rà soát tiến độ thực hiện các thủ tục về quy hoạch, lập phương án đấu giá đất, chủ động xây dựng phương án đấu giá để sẵn sàng kêu gọi nhà đầu tư. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy trình, tiêu chí đấu thầu với các dự án lớn mà hiện chưa có quy định về đấu thầu chuyên ngành như khu công nghiệp, cảng biển.
Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đang tập trung triển khai hiệu quả đề án nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào những khu công nghiệp mới trên địa bàn Thành phố.
Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tích cực chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện thủ tục đấu giá các dự án thương mại. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 Khu thể thao giải trí thương mại Hòa Xuân và khu đất thương mại phía Đông Nam ký túc xá sinh viên. Khu công nghệ cao cũng đang xúc tiến đầu tư, dự kiến trong thời gian tới sẽ kêu gọi thêm nhiều dự án vào các lĩnh vực như sản xuất điện tử, thiết bị y tế…
Cầu vượt Mikazuki qua đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu) - công trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản |
Tạo nguồn lực từ FDI Nhật Bản
Tại Hội thảo kết nối hợp tác Đà Nẵng - Nhật Bản mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Đà Nẵng thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama, Kisarazu. Ngoài ra, còn có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khác.
“Hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng và Nhật Bản đạt những kết quả tích cực. Nhật Bản hiện là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng”, ông Minh thông tin.
Theo ông Minh, nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào các dự án chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, IT, giáo dục, y tế, dịch vụ và du lịch. Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp giúp tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.
Bên cạnh đó, Nhật Bản được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19) tổng lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đạt hơn 183.000 lượt, tăng gần 200% so với năm 2015 (92.000 lượt).
Đại diện Công ty N&V Bridge (Nhật Bản) - doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng khu nghỉ dưỡng và sản xuất truyện tranh cho biết, mới đây đã kết hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 1 bộ truyện tranh nhận được sự quan tâm từ nhiều độc giả. Bên cạnh đó, Công ty cũng ký kết đưa thực tập sinh Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Đà Nẵng) sang Nhật Bản thực tập; đồng thời xúc tiến xây dựng tổ chức phi chính phủ hỗ trợ du học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản.
Còn đại diện Công ty dịch vụ vận chuyển Sakai thì bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác. Công ty Sakai được thành lập từ năm 1971. Khi bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển nhà, Công ty Sakai đã nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Thời điểm đó, sự gia tăng dân số của Việt Nam tương đồng với Nhật Bản.
Trong buổi làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhân chuyến thăm và làm việc của Đại sứ tại Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định, Đà Nẵng cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, du khách Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, du lịch tại thành phố. Đà Nẵng cũng ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương mở rộng quan hệ hợp tác nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản.
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng chia sẻ, hiện tại, đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam đang trở nên khó khăn ở các tỉnh phía Bắc vì các vấn đề về điện lực ngày càng phát sinh. Ở các tỉnh phía Nam thì bài toán thiếu hụt nhân lực đang ngày càng trầm trọng và sự tăng giá thuê đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp. “Miền Trung với trung tâm là TP. Đà Nẵng, giá thuê khu công nghiệp vẫn còn rẻ, đảm bảo được nguồn nhân lực nên đang nhận được sự quan tâm cao từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây được coi là một điểm đến đầu tư mới”, ông Yakabe Yoshinori nhìn nhận.
Có thể nói, nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm tới Đà Nẵng, sự hiện diện của nhiều dự án tại Đà Nẵng cũng như quan hệ kết nối hữu nghị lâu nay đã chứng tỏ Đà Nẵng là địa chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Chính quyền Thành phố nên xem đây là cơ hội để tạo nền móng cho việc thu hút dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia khác trên thế giới, góp phần cải thiện tình hình thu hút FDI trên địa bàn.