46 năm sau giải phóng, 24 năm sau chia tách với tỉnh Quảng Nam, chính quyền, người dân Đà Nẵng đang có quyền mơ và viết tiếp nên hiện thực cho một giấc mơ về một Đà Nẵng là thành phố đặc biệt của Việt Nam, là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực, là điểm đến hấp dẫn về du lịch sánh ngang các trung tâm du lịch nổi tiếng thế giới.
Đà Nẵng là thành phố đặc biệt của Việt Nam, là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực, là điểm đến hấp dẫn về du lịch sánh ngang các trung tâm du lịch nổi tiếng thế giới. |
Đồng hành viết tiếp những giấc mơ
Tháng 3, khi những bông hoa gạo nở đỏ rực như thắp lửa trên bầu trời xanh ngắt, những bông hoa đào chuông khoe sắc thắm yêu kiều trên những sườn núi của đỉnh Bà Nà Tiên Cảnh - một điểm đến du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng… chúm chím cúi chào du khách, thì thành phố này cũng liên tục đón nhận những tin vui. Đó là việc công bố Nghị định số 34/NĐ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP. Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
“Hữu xạ tự nhiên hương”, ngay lập tức những thương hiệu quốc gia lần lượt được xướng tên trong vai trò tài trợ quy hoạch và đề xuất ý tưởng quy hoạch các phân khu mới của Đà Nẵng, đồng thời, cũng như một lời cam kết đồng hành cùng Đà Nắng tiếp tục dệt hiện thực từ những giấc mơ tại Lễ công bố quy hoạch đã phần nào minh chứng cho những hấp dẫn của Đà Nẵng đã được các nhà đầu tư quan tâm từ rất sớm.
Trong số những dự án lớn được các nhà đầu tư quan tâm lần này, có nhiều dự án ở những vị trí lâu nay Đà Nẵng quy hoạch khu dự trữ phát triển, hoặc đã quy hoạch và nay đủ điều kiện cần để bắt đầu bung nở. Dự án Trung tâm tài chính khu vực của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương của “vua” hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn là một trong những dự án được thai nghén từ rất lâu, nay đã có dịp triển khai. Dự án sau khi công bố lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong đó, có những ý kiến tán đồng và những hoài nghi chính đáng.
Giải tỏa những hoài nghi này, tại buổi họp báo sau công bố quy hoạch, với tư cách là đại biểu khách mời trong vai trò đơn vị tài trợ quy hoạch, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã có những chia sẻ hết sức chân thành và thấu đáo: “Chúng ta định hướng là trung tâm tài chính khu vực, bởi theo định hướng của Trung ương, tới năm 2045, nước ta là nước phát triển, thì phải làm gì để vượt lên? Chẳng lẽ nói, chúng ta còn nghèo lắm, nên không thể xây dựng trung tâm tài chính khu vực? Không phải. Việt Nam hiện là quốc gia đang được nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm”.
Chưa dừng lại ở đó, theo ông Hạnh Nguyễn, khoảng cách giữa trung tâm tài chính quốc gia với trung tâm tài chính khu vực là không quá lớn, nhưng để đạt được tầm trung tâm tài chính quốc tế thì khoảng cách là rất xa, song không phải không có cơ hội. “Nếu dám “chơi” như New York, London, thì Việt Nam sẽ có trung tâm tài chính toàn cầu, bởi Việt Nam có múi giờ nằm giữa châu Mỹ và châu Âu. Khi hai châu lục kia ngủ thì Việt Nam thức, nên Việt Nam có lợi thế về giao dịch dòng tiền. Tại sao chúng ta không làm?”, ông Hạnh Nguyễn phân tích.
Liên quan trung tâm tài chính này, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý chủ trương giao UBND TP. Đà Nẵng nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Thủ tướng xem xét đề xuất chủ trương này; đồng thời, đề xuất giao UBND TP. Đà Nẵng nghiên cứu và thuê tư vấn (ưu tiên tư vấn quốc tế) lập đề án, bao gồm các đề xuất về cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính khu vực, trong đó cần nêu rõ cơ chế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các bộ, ngành và TP. Đà Nẵng.
Bộn bề lo toan
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, trong quy hoạch chung phát triển Đà Nẵng, lĩnh vực kinh tế ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin... gắn với việc hình thành đô thị thông minh, sáng tạo và hình thành các trung tâm: tài chính, thương mại, dịch vụ... được xem là sự tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế so sánh, tạo hệ sinh thái cộng hưởng, động lực phát triển lâu dài giữa cơ cấu ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế của Thành phố. Đây cũng được xem như tiền đề tốt để thu hút cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước góp phần hiện thực hóa quy hoạch phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Còn ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì kỳ vọng: “Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư rất hào hứng, mong chờ vào quy hoạch chung của Thành phố. Hiệp hội Du lịch cũng có tham vấn Thành phố phải sớm hình thành các trung tâm du lịch, phát triển thêm về hướng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam. Đồng thời, làm thêm các cụm sản phẩm xung quanh các vùng lõi, hình thành các cụm trung tâm du lịch gắn với tài nguyên đặc sắc, như phía Tây gắn với Bà Nà-Núi Chúa, phía Đông gắn với Sơn Trà, phía Bắc gắn với Hải Vân và phía Nam gắn với Ngũ Hành Sơn…”.
Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của cả nước được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung căn cứ Luật Quy hoạch ban hành năm 2017. “Chúng ta phải đi vào chi tiết kế hoạch thực hiện như thế nào để Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới trong vài chục năm tới. Đó là thử thách lớn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, tinh thần hợp tác của doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân với chính quyền rất lớn để cùng phát triển thành phố với quy hoạch chung này. Qua đó cho thấy tiềm lực quy hoạch thành công để Đà Nẵng thực sự nâng tầm đô thị”, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, quy hoạch chung được phê duyệt cùng một loạt dự án khởi động ngay sau đó, như đại Dự án Làng Vân của Tập đoàn Vingroup, là thành quả nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, người dân Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, với khát vọng đổi thay, phát triển TP. Đà Nẵng về mọi mặt.
Để chắp cánh cho những kỳ vọng và những khát vọng của người Đà Nẵng về một chặng đường mới, theo ông Bùi Văn Tiếng, chuyên gia nghiên cứu kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa Đà Nẵng, địa phương này có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm, gồm: Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm; Khu sân golf VinaCapital Đà Nẵng; Khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Công viên chuyên đề phía Nam bán đảo Sơn Trà; Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Khu du lịch Bà Nà Hills; Khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp Làng Vân; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula”…
Đương nhiên, theo ông Bùi Văn Tiếng, người Đà Nẵng cũng nhận thức rõ, đây mới chỉ là đề bài, chứ phải là đáp số. Để bước vào chặng đường phát triển mới với phong độ cao nhất, để trở thành “một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ”; trở thành “một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước”; là “thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”… như đã xác định trong Quyết định 359/QĐ-TTg, thì người Đà Nẵng cần phải tiếp tục làm nhiều việc.
Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội thảo chuyên gia về Đề án Chuyển đổi số TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới diễn ra ở Trung tâm Hành chính Thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đã thẳng thắn cảnh báo: “Lực cản của chuyển đổi số là tư duy kiểu tránh đụng chạm lợi ích, tránh đụng chạm bí mật của ngành mình. Hầu hết đều không muốn chia sẻ, nên đã làm chậm lại quá trình khai thác dữ liệu”.