UBND TP. Đà Nẵng đã xây dựng 3 kịch bản và phương án cho tăng trưởng kinh tế của thành phố 6 tháng cuối năm 2021 sau Covid-19 hướng đến mục tiêu tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 5,5-6%.
Theo Cục thống kê TP. Đà Nẵng, ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2021 của Đà Nẵng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm trên 60% trong cơ cấu GRDP. Sự phục hồi của khu vực dịch vụ (riêng dịch vụ du lịch vẫn rất khó khăn) tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ chính của nền kinh tế khi tăng khoảng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021 là giá trị tăng thêm (VA) của 15 trên tổng số 21 ngành kinh tế cấp 1, với quy mô chiếm gần 83% trên tổng VA toàn nền kinh tế thành phố đều đạt mức tăng trưởng dương (mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của một số ngành quan trọng như: công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,96%; thương mại là 8,95%; thông tin và truyền thông là 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 7,45%; kinh doanh bất động sản là 8,69%).
Ngoài ra, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm sau mức giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 do các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đợt dịch lần 2 đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021 (tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2020).
Từ những chỉ số kinh tế trên, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất 3 kịch bản cho 6 tháng cuối năm 2021, cụ thể:
Kịch bản 1 (kịch bản thuận lợi) với dự kiến Covid-19 được kiểm soát tốt từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2021. Tốc độ tăng GRDP sáu tháng cuối năm đạt mức tăng khoảng 7%, quy mô GRDP tương đương khoảng 92% của 6 tháng cuối năm 2019, ngang mức bình quân của hai năm 2018 và 2019. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 6%. Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.953,9 tỷ đồng, đạt 104,2% dự toán HĐND Thành phố giao.
Kịch bản 2 (kịch bản chưa thuận lợi) với dự kiến Covid-19 cơ bản được kiểm soát từ cuối quý 3. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt mức tăng gần 5%, quy mô GRDP tương đương gần 90% của 6 tháng cuối năm 2019. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 4,5-5%. Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.404 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán HĐND thành phố giao. Theo kịch bản này, 6 tháng cuối năm không có đột phá về tăng trưởng GRDP, khi đó cả năm 2021 kinh tế dự kiến tăng trưởng ở gần 5,0%. Kịch bản này xảy ra khi trong 6 tháng cuối năm phần lớn các ngành sẽ duy trì mức tăng tương đương hoặc cao hơn một ít so với 6 tháng đầu năm 2021. Một số ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn dự kiến có tăng nhưng mức độ thấp hơn kịch bản 1 như: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 3-3,5%); thương mại (tăng 5,5-6%); thông tin và truyền thông (tăng 3-3,5%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 7-7,5%); kinh doanh bất động sản (tăng 4,5-5%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6%.
Kịch bản 3 (kịch bản điều kiện xấu) với dự kiến Covid-19 chưa được kiểm soát trong quý 3 và quý 4. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm 2021 sẽ chỉ đạt dưới 3,5%, quy mô GRDP tương đương khoảng 85% của 6 tháng cuối năm 2019. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ ở mức dưới 4%, khi đó quy mô GRDP năm 2021 chỉ xấp xỉ năm 2018. Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 17.514 tỷ đồng, đạt 96,27% dự toán HĐND thành phố giao.
Từ 3 kịch bản trên, theo phân tích, đánh giá, UBND thành phố Đà Nẵng cho hay kịch bản phương án 2 có thể xảy ra nhất đối với thành phố là tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 5,5-6%. Đây là con số phù hợp tình hình thực tế, có tính khả thi cao và có tính phấn đấu trong việc kiểm soát chặt dịch bệnh và thực hiện tốt các giải pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, thành phố phải làm tốt công tác hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm kinh tế.
Hiện thành phố Đà Nẵng tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường. Theo phương án này, quy mô GRDP năm 2021 sẽ tương đương với quy mô GRDP năm 2018 và bằng khoảng 95% so với năm 2019. Theo đó, các khu vực dịch vụ; công nghiệp-xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt khoảng 5,7%, 3,9% và 1,0%. Chìa khóa để duy trì tốc độ phát triển kinh tế là tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế.