Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cuối năm 2013 về đánh giá kết quả 10 thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nhấn mạnh rằng, giữa đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị với đầu tư phát triển sản xuất, Đà Nẵng chỉ được chọn một lĩnh vực. Kết quả là, Đà Nẵng đã chấp nhận mất cân đối tạm thời để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và thực tế cho thấy, Đà Nẵng đã chọn đúng hướng đi.
Nhờ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị mà Đà Nẵng có diện mạo như hôm nay, được mệnh danh là thành phố những cây cầu. Muốn trở thành thành phố những cây cầu thì phải có nhiều cầu, nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được sự đa dạng từ những cây cầu. Đà Nẵng đã làm được điều này. Thậm chí, người Đà Nẵng còn biến nhược điểm “lạc hậu” của công nghệ cầu quay thành cái hấp dẫn độc đáo của cầu Sông Hàn. Du khách thập phương đến Đà Nẵng ráng thức khuya xem cầu Sông Hàn quay để biết một cây cầu quay như thế nào.
Cầu Rồng trên sông Hàn - một điểm nhấn của Thành phố Đà Nẵng |
Chọn đúng hướng đi rất quan trọng, nhưng để phát triển bền vững thì phải có những bước đúng và đều nhịp. Gần 20 năm trước, khó có thể hình dung Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố không khói, đô thị thân thiện với môi trường và một trong 10 thành phố Đông Nam Á được nhận Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN.
Để có thể trở thành đô thị phát triển bền vững, Đà Nẵng luôn coi trọng yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái hay sự đa dạng sinh học và rất mực đề cao môi trường nhân văn, ứng xử văn hóa, đạo đức công vụ nhằm tạo thêm chỉ số cạnh tranh và đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh.
Một thành phố đáng sống với chất lượng cuộc sống ngày càng cao đòi hỏi phải là một thành phố không chỉ có nhiều cây xanh hơn, mà còn phải có không gian đô thị hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Muốn như vậy, người Đà Nẵng không chỉ có khát vọng, mà còn phải có những hiểu biết, hành động thiết thực về kết cấu hạ tầng xanh và chiến lược xây dựng đô thị xanh.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm, bên cạnh niềm tự hào chính đáng, người Đà Nẵng ngày nay cần phải nghĩ tiếp nhiều chuyện, làm tiếp nhiều việc, như làm thế nào để có thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng tiến ra đại dương mênh mông bằng những chiếc thuyền thúng vừa nhỏ nhoi vừa mỏng mảnh; làm thế nào để không nhầm lẫn, ngộ nhận giữa đề bài và đáp số, để thấy rằng, những mục tiêu như Thành phố đáng sống, Thành phố sinh thái, Thành phố môi trường, Tăng trưởng xanh, Phát triển bền vững, Điểm đến hấp dẫn… mới chỉ là đề bài, chứ không phải là đáp án có sẵn.
Thậm chí, ngay cả đề bài cũng đâu có sẵn. Chẳng hạn, đề bài Đà Nẵng - thành phố khác biệt chưa bao giờ có sẵn, dù Đà Nẵng đã định hình được sự khác biệt về cơ cấu kinh tế, như đã chuyển từ cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp ngay giữa năm 2008. Nhưng chừng ấy chưa thể tạo nên một Đà Nẵng khác biệt. Vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu cho đề bài này, như làm thế nào để có sự khác biệt về cơ chế quản lý đô thị (như mô hình chính quyền đô thị không còn trung gian cấp quận), làm thế nào để có sự khác biệt về cơ chế quản lý cảng biển (như quận cảng ở Busan, Hàn Quốc)…
Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, người Đà Nẵng không thể không ghi nhận công lao đóng góp rất lớn của ông Nguyễn Bá Thanh. Từng giữ chức Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ tịch HĐND Thành phố, ông được xem là Kiến trúc sư trưởng của một Đà Nẵng từng ngày đổi mới. Trên cương vị lãnh đạo TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ông trở thành người truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về khát vọng xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị hiện đại. Điều quan trọng là, ông đã truyền cảm hứng ấy bằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ của bản thân.
Trên cương vị lãnh đạo TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ông luôn ý thức rằng, muốn Thành phố bên sông Hàn trở thành một trung tâm phát triển thì phải có cả sức thu hút lẫn sức lan tỏa. Sau Đại hội lần thứ XX Đảng bộ TP. Đà Nẵng, ông càng nỗ lực để tạo cho Đà Nẵng có được sức thu hút và sức lan tỏa ấy, trước tiên là với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Trước khi về công tác ở Ban Nội chính Trung ương, ông đã đi thăm và làm việc với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Sau đó, ông lại đi thăm và làm việc với một số tỉnh duyên hải miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, để bàn về liên kết kinh tế với Đà Nẵng. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 7/2011, ông được lãnh đạo 7 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa giao đảm nhiệm chức Tổ trưởng Tổ Điều phối Vùng duyên hải miền Trung, nhằm thúc đẩy sự liên kết bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển...
(*) Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng