Đầu tư
Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics
Hoàn Nhân - 14/11/2024 10:09
Dù có nhiều lợi thế phát triển logistics, song lượng hàng hóa qua Đà Nẵng chưa như kỳ vọng. Do đó, việc thành lập Khu thương mại tự do được xem là động lực để Thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics.
Mỗi năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua Đà Nẵng tăng 10 - 20% (Ảnh: Cảng Đà Nẵng)

Chính sách hấp dẫn

Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng, có đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đây là điều kiện để phát huy vai trò cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Cảng Đà Nẵng là cảng quan trọng của miền Trung, hướng đến trở thành cảng cửa ngõ quốc tế; là nền tảng để xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, trung tâm logistics của khu vực.

Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đánh giá, ngành logistics của Đà Nẵng đứng trước cơ hội lớn, khi cảng biển Liên Chiểu đang được xây dựng và Khu thương mại tự do chuẩn bị hình thành.

Song, ông Lâm cho rằng, hạ tầng kết nối ở Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng các nhu cầu hiện tại, còn với mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực thì chưa đáp ứng được. Hạ tầng cảng biển vẫn chưa hoàn thiện, đường sắt và đường hàng không cũng chưa phát triển tương xứng với mục tiêu. 

Đơn cử, về vận tải đường hàng không, mặc dù về lượng hành khách và khách du lịch quốc tế tăng trưởng khá tốt, nhưng lượng hàng hóa khai thác qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lại rất hạn chế.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng hình thành không chỉ giúp ngành logistics bứt phá, mà còn kéo theo các dịch vụ phụ trợ như du lịch, bất động sản, trung tâm tài chính phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. 

“Một trong những hạn chế trong khai thác hàng hóa tại sân bay Đà Nẵng là diện tích kho bãi của ga hàng hóa còn rất nhỏ, chưa có kho lạnh”, ông Lâm nêu nguyên nhân.

Cũng theo ông Lâm, để trở thành trung tâm logistics, Đà Nẵng cần chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối nhiều hơn nữa. Trong Đề án thành lập Khu thương mại tự do, Đà Nẵng cần đầu tư, nâng cấp các hạ tầng này.

Được biết, TP. Đà Nẵng đang xây dựng đề án, trong đó có mở rộng ga hàng hóa quốc tế của sân bay Đà Nẵng, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển logistics tại Thành phố.

Trong những năm qua, hàng hóa được trung chuyển qua Đà Nẵng tăng trưởng 10 - 20%, nhưng vẫn còn nhỏ so những đầu mối tập trung hàng hóa ở hai đầu đất nước.

“Do vậy, việc quan trọng nhất vẫn là lượng hàng hóa từ Đà Nẵng có tăng lên hay không và tăng từ nguồn nào. Để trả lời câu hỏi này cần có nhiều giải pháp đưa ra, trong đó có thành lập Khu thương mại tự do. Theo tôi, việc thành lập Khu thương mại tự do sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cũng như mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ khu thương mại tự do này. Đây cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra khi xây dựng Đề án Khu thương mại tự do”, ông Lâm nêu quan điểm.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tiếp tục khẳng định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng về logistics.

Về phần mình, TP. Đà Nẵng đã xây dựng Đề án Phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 11%; đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 15%. Các trung tâm logistics tại Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics như khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tại cảng biển Đà Nẵng cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản, tăng cường kết nối cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với các khu vực kinh tế trọng điểm trong nước và quốc tế; xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực ga Kim Liên kết nối cảng Liên Chiểu, đầu tư phát triển ga Kim Liên thành đầu mối, điểm kết nối đa phương thức đường biển - đường sắt - đường bộ…

Để thu hút đầu tư, Đà Nẵng cũng dành cho nhà đầu tư nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trong đó, Thành phố sẽ thành lập Khu thương mại tự do, trung tâm là khu vực cảng Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp... cùng với các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư như miễn giảm các loại thuế. Đồng thời, sẽ đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; hình thành và vận hành mạng thông tin cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp trên địa bàn… Đây được xem là những chính sách quan trọng, giúp ngành logistics cũng như kinh tế Thành phố bứt phá.

Kỳ vọng từ khu thương mại tự do

Ông Đoàn Như Ý, Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng, Công ty Bee Logistics cho biết, đây là cơ hội lớn cho ngành logistics của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, bởi hoạt động thương mại đẩy nhanh về mặt số lượng và chất lượng, thúc đẩy ngành logistics phát triển.

Theo ông Ý, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hình thành sẽ kéo theo các dịch vụ phụ trợ như du lịch, bất động sản, trung tâm tài chính phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. 

“Bản thân tôi làm trong ngành logistics rất kỳ vọng, khi Khu thương mại tự do hoàn thành sẽ tạo cú hích cho Đà Nẵng, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động”, ông Ý hào hứng.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Như Ý tư vấn, Đà Nẵng phải chuẩn bị hạ tầng kết nối tốt, quỹ đất sạch và có chi phí hợp lý để thu hút đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có những thông tư, nghị định, chính sách rõ ràng để nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng khi đầu tư vào Khu thương mại tự do. 

“Đây là mô hình mới ở Việt Nam, do đó tôi rất mong có những hướng dẫn để các nhà đầu tư tham gia, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Ngoài ra, khi hình thành Khu thương mại tự do thì thủ tục được thực hiện theo hướng một cửa nhằm đẩy nhanh tiến độ, doanh nghiệp không cần phải đi đến từng cơ quan để làm các thủ tục như trước đây”, ông Ý bày tỏ.

Ông Tô Văn Hiệp, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp logistics ở miền Trung còn nhỏ, các kho bãi muốn tự động hóa vẫn còn gặp một số rào cản, đặc biệt là rào cản về chính sách tài chính. Hiện chưa có hỗ trợ mạnh nào để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, do đó, khi Khu thương mại tự do hình thành, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi và có cơ hội bứt phá.

Ông Hiệp đánh giá, vừa qua Đà Nẵng có số chủ trương, chiến lược rất hấp dẫn trong việc thành lập Khu thương mại tự do, cho thấy quyết tâm của Thành phố.

“Khi hoàn thành Khu thương mại tự do thì Đà Nẵng sẽ có cơ hội cất cánh, bởi Chính phủ sẽ có những cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh được với khối ngoại. Không những vậy, khu thương mại tự do còn có các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hiệp phân tích.

Theo ông Hiệp, thời gian tới, việc luân chuyển hàng hóa xung quanh Khu thương mại tự do sẽ phát triển mạnh hơn, thuận lợi hơn, hình thành các kho bãi, các doanh nghiệp logistics sẽ nhiều hàng hóa.

“Khu thương mại tự do hình thành thì các chuỗi dịch vụ cung ứng cũng sẽ hình thành và tạo tiền đề cho các doanh nghiệp, hàng hóa lưu thông tại đây nhiều hơn. Một loạt ngành nghề logistics sẽ phát triển. Để tránh những doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ sức thực hiện thì vai trò của các tổ chức, hiệp hội cần được thể hiện trong việc kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại với nhau, tạo nên sức mạnh chung. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn: Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics Đà Nẵng. Đây được xem là một bước đệm kết nối các doanh nghiệp với nhau cùng phát triển”, ông Hiệp chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác