Chiều 25/5, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã có buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với báo chí về tình hình nhân lực chất lượng cao thuộc đề án 922 nghỉ việc, xin nghỉ việc và bị buộc ra khỏi đề án mà dư luận quan tâm mấy ngày qua.
Thông tin về Đề án 922, đại diện Sở Nội vụ cho biết: Đến 24/5/2018, Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo Đề án 922, cụ thể: 128 học viên đào tạo bác sỹ, bác sỹ nội trú; 368 học viên bậc đại học; 89 học viên bậc sau đại học; 29 học viên đào tạo 02 bậc theo đề án; 02 học viên đào tạo cả đại học, thạc sỹ, tiến sĩ theo đề án.
Trong số đó, có 460 học viên đã được bố trí công tác. Trong quá trình công tác, một số học viên được cử đi đào tạo ở bậc cao hơn (bằng kinh phí tự túc hoặc kinh phí đề án) và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố.
Đến nay, số lượng học viên đề án đang thực hiện công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 402 người. Cụ thể, 136 người tại các cơ quan hành chính, 210 tại các đơn vị sự nghiệp, số còn lại làm việc tại các cơ quan khối đảng và đoàn thể, Đại học Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp, Tòa án nhân dân thành phố.
Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho Học viên đề án đã cơ bản đáp ứng được nhuh cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố. Đa phần học viên Đề án có tính gắn bó, cam kết làm việc lâu dài và có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công việc tốt do được đào tạo bài bản, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo.
Qua thực tế công tác, đã có 207 người được tuyển vào công chức, viên chức; 88 người được kết nạp Đảng, 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý (có 16 người giữ chức vụ phó giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên và 44 trưởng, phó phòng).
Cũng tại buổi gặp gỡ, Sở Nội vụ cho biết về tình hình các học viên bị buộc ra khỏi đề án và xin ra khỏi đề án. Theo đó, có 93 học viên xin được thành phố đồng ý cho rút khỏi đề án. Trong đó, 40 người nêu lý do xin rút: đoàn tụ cùng gia đình, giải quyết việc gia đình, theo học bậc cao hơn; vì sức khỏe không đáp ứng công việc.
Số còn lại (47 học viên) bị buộc ra khỏi Đề án do không đạt kết quả theo yêu cầu; vi phạm quy định của đề án; bị cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc.
Theo nhìn nhận của Sở Nội vụ thì Đề án 922 bắt đầu từ năm 2004, đến nay đã 14 năm, nếu phân chia số lượng người lao động nghỉ việc, xin thôi việc hoặc buộc thôi việc thì tỉ lệ không lớn.
Về số kinh phí số học viên từ Đề án phải bồi hoàn khi nghỉ việc, theo Sở Nội vụ, thành phố đã thu lại khoảng 89 tỉ đồng. “Đây là tiền thuế của người dân trả cho học viên đi học, nên nếu anh không hoàn thành sự tin tưởng đó thì phải trả lại kinh phí. Như vậy là thành phố đã quá nhân văn rồi, chứ đem nhau ra tòa thì phức tạp lắm”- đại diện Sở Nội vụ cho biết. Vị này cũng nhận định, xét trên bình diện công việc, thu nhập và nhu cầu cá nhân thì việc chuyển dịch lao động từ đơn vị công sang đơn vị tư là sự chuyển dịch bình thường. Tuy nhiên, nếu người lao động có tài năng, có chuyên môn giỏi ra khỏi khu vực công liên quan đến đề án thì là điều đáng tiếc.
Vì vậy, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, Đề án 922 còn có những hạn chế. Để khắc phục, từ tháng 4/2015, Ban Thường vụ Thành ủy đã Ban hành Quyết định về việc ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến 2020 (gọi tắt là Đề án 13100).
Đề án này, có những điểm đáng lưu ý, trong đó, Quy định rõ chế độ đãi ngộ: “Nếu người được cử đi học nhận được học bổng toàn phần của cơ sở đào tạo hoặc của tổ chức hợp pháp khác thì được xem xét hỗ trợ lại 40% mức sinh hoạt phí được cấp trong thời gian học tập theo quy định hiện hành; Trong thời giain học, nếu người được cử đi học được cấp học bổng miễn, giảm học phí thì được xem xét hỗ trợ lại 50% giá trị học bổng”…