- Đà Nẵng không điều chỉnh giá đất trong 2 năm qua
- Quảng Nam điều chuyển gần 1.000 tỷ vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân
- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- 9 tháng, giải ngân đầu tư công đạt 47,38% kế hoạch, 38 đơn vị xin trả lại hơn 21.770 tỷ đồng
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của địa phương được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là 6.935,11 tỷ đồng và HĐND thành phố giao là 9.530,036 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 điều chỉnh đến ngày 30/9/2021 ước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch được Trung ương giao.
Trong đó, ngân sách trung ương ước giải ngân 500 tỷ đồng, bằng 29,5% kế hoạch giao; Ngân sách địa phương giải ngân 3.000 tỷ đồng, bằng 57,2% kế hoạch trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt mức tương đương với mức bình quân chung các địa phương của cả nước là 49%.
Tuy nhiên, riêng đối với ngân sách Trung ương (NSTW), đặc biệt là các dự án liên vùng là các dự án đặc thù gặp nhiều khó khăn. Như Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức tại nút giao thông ngã ba Huế, TP. Đà Nẵng theo hình thức hợp đồng BT, kế hoạch vốn năm 2021 là 727 tỷ đồng nhưng giải ngân đến là 0 đồng do đang thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, kế hoạch vốn là 2021 là 200 tỷ đồng, tuy nhiên dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 và được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021. Theo UBND TP.Đà Nẵng, thời gian còn lại trong năm 2021 là không đủ để triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự kiến không thể giải ngân nguồn vốn này trong năm 2021. UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn cho dự án này sang năm 2022.
Nếu loại trừ các dự án liên vùng với các khó khăn đặc thù khó giải ngân nêu trên, thì ước tỷ lệ giải ngân vốn NSTW đến hết tháng 9 của TP. Đà Nẵng đạt 71,20%, là tỷ lệ đạt mức cao so với bình quân cả nước.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp tại TP. Đà Nẵng được đưa ra là do từ cuối tháng 7 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, UBND thành phố đã thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố; thực hiện giải pháp yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” và tạm ngưng các hoạt động trên địa bàn thành phố.
Do đó, trong tháng 8/2021 và nửa đầu tháng 9/2021, hầu hết các hoạt động thi công công trình trên địa bàn thành phố phải tạm ngưng làm ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, quy trình, thủ tục đầu tư phải qua nhiều khâu, nhiều bước, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư ...
Về giải pháp, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng cuối năm 2021, TP.Đà Nẵng yêu cầu Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa đảm bảo tiến độ. Cắt giảm kế hoạch vốn các dự án không thể giải ngân và chủ động đề xuất dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách chưa bàn giao mặt bằng, chưa lựa chọn nhà thầu xây lắp, nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân của từng đơn vị, dự án đến ngày 31/01/2022 đạt 95-100% kế hoạch đã giao.
Chính quyền Thành phố cũng sẽ kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn đã giao đối với các công trình, dự án chậm hoặc khó có khả năng giải ngân, tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung cho các công trình, dự án có nhu cầu hoặc đưa vào dự phòng theo quy định.
Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều dự án trên địa bàn TP.Đà Nẵng gặp khó khăn trong thi công. |
Để giải ngân đạt mục tiêu đề ra, TP.Đà Nẵng đã kiến nghị với Trung ương nhiều nội dung. Theo UBND TP.Đà Nẵng, Thành phố nói riêng và cả nước nói chung triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, một số công trình, dự án phải tạm dừng thi công nhằm đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch bệnh, đồng thời do vướng mắc về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng..., trong đó có các dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương. Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án năm 2021 không giải ngân hết sang năm 2022 theo quy định với tổng số vốn là 268,571 tỷ đồng.
Các dự án cụ thể được đề nghị là Tuyến đường cấp bách chiến lược quốc phòng phục vụ quân sự và dân sinh quận Liên Chiểu, kết nối khu vực phòng thủ đèo Hải Vân - Bán đảo Sơn Trà với Khu căn cứ hậu phương, với số vốn hơn 29 tỷ đồng; Kè chống sạt lỡ khẩn cấp bờ sông Yên; Đầu tư xây dựng Bến Cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Đường giao thông nội thị quận Cẩm Lệ; Các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 14B và các xã thuộc huyện Hòa Vang.
Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài nguồn NSTW của năm 2020 sang năm 2022 là hơn 54 tỷ đồng của Tiểu dự án 2 Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng. Điều chỉnh giảm nguồn vốn ODA cấp phát từ NSTW năm 2021 của thành phố Đà Nẵng thành 330 tỷ đồng (giảm 140 tỷ đồng).