Hoang phí đất vàng
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu khẩn trương quy hoạch lại 7 dự án, gồm: Khu đất khoảng 3,7 ha đối diện đường Huyền Trân Công Chúa, Dự án Viễn Đông Meridian, Khu đất Danang Center trên đường Phan Châu Trinh, Khu du lịch ven biển của Công ty Hòn Ngọc Á Châu, Dự án DAP - DAP 1 - DAP 2, Khu nhà hàng, bến du thuyền Nam cảng sông Hàn và Khu du lịch ven biển 15.577 m2 ở phường Hòa Hải.
. |
Trong số đó, có dự án chiếm giữ những khu đất vàng ngay trung tâm TP. Đà Nẵng nhưng không triển khai nhiều năm qua. Điển hình là Dự án Viễn Đông Meridian, nằm ngay mặt tiền số 84 Hùng Vương (quận Hải Châu) với tổng diện tích đất lên tới 11.170 m2, được cấp giấy phép xây dựng từ tháng 7/2008, cách đây đã 10 năm.
Tổ hợp này được giao cho Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông làm chủ đầu tư, với mức đầu tư 180 triệu USD. Khi bắt đầu triển khai vào năm 2009, Viễn Đông Meridian được quảng bá sẽ là tổ hợp thương mại, khách sạn, văn phòng và nhà ở 6 sao, một tháp đôi 48 tầng, cao nhất miền Trung. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống được bao bọc bằng hàng rào, bên trong cỏ dại mọc um tùm, hoang phế.
Ngoài 7 dự án được UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu quy hoạch lại, quanh khu vực Nhà hát Trưng Vương vẫn còn hai dự án bất động sản lớn khác cũng trong tình cảnh tương tự. Đó là Khu phức hợp Golden Square, được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á triển khai xây dựng móng, 2 tầng hầm, nhưng đã ngừng thi công từ cuối năm 2014.
Gần đó là Dự án Đà Nẵng Centre của Công ty địa ốc Vũ Châu Long, án ngữ khu đất 7.878 m2 tại số 8 Phan Chu Trinh, từng được giới thiệu là tổ hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ 35 tầng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ xây dựng xong giai đoạn I vào năm 2011, nhưng đến nay vẫn đang “đắp chiếu”.
Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP. Đà Nẵng) đánh giá, những dự án lớn chậm triển khai đã gây ra sự lãng phí không nhỏ và ảnh hưởng tiêu cực cho tăng trưởng của Đà Nẵng.
Cần 5.000 tỷ đồng đề thu hồi đất
Việc UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương quy hoạch lại 7 dự án lớn đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Trước đó, TP. Đà Nẵng đã từng gia hạn triển khai cho một số dự án trong số 7 dự án nêu trên và yêu cầu các nhà đầu tư triển khai theo đúng cam kết. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn, đến nay, các dự án vẫn không triển khai xây dựng. Việc thu hồi dự án gặp không ít khó khăn.
Ông Tô Văn Hùng cho rằng, chủ trương quy hoạch lại các dự án trên là đúng đắn và đã đến lúc, Đà Nẵng cần thay đổi tư duy về sử dụng các khu đất vàng trong tổ chức hoạt động đô thị.
“Tôi cho rằng, chủ trương chuyển đổi một số khu đất vàng vốn là các dự án thuộc diện chậm triển khai là chủ trương rất đúng đắn, đáp ứng mong đợi của người dân, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Việc thu hồi, chuyển đổi công năng các khu đất này đều được thực hiện trên cơ sở phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung cũng như các quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.
Theo đó, ông Hùng nhấn mạnh, TP. Đà Nẵng cần triển khai ngay việc rà soát công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, giám sát tiến độ triển khai dự án theo cam kết. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, chậm trễ, thì thực hiện chấn chỉnh, khắc phục, thu hồi theo đúng quy định quy định của pháp luật.
Được biết, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa ký Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 2/7/2018 về danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai từ năm 2016 - 2020.
Theo đó, cần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố để thu hồi đất của các dự án: Khu du lịch ven biển của Công ty Hòn Ngọc Á Châu, khu đất của Dự án DAP - DAP 1 - DAP 2, Dự án Khu du lịch ven biển của Công ty TNHH IVC, Dự án Nhà hàng và bến du thuyền của Công ty TNHH IVC, Dự án Khu phức hợp Đà Nẵng Center, Dự án Viễn Đông Meridian và khu đất bên cạnh Công viên APEC.
Báo cáo số 161/BC-UBND cũng nêu rõ, tổng nhu cầu vốn của TP. Đà Nẵng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 18.848 tỷ đồng, trong đó, đã bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 cho các dự án là 8.704 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu, chưa cân đối trong kế hoạch trung hạn cho các dự án là 10.144 tỷ đồng, chủ yếu dành cho các dự án có quy mô lớn đang thực hiện chuẩn bị đầu tư năm 2018, thu hồi 7 lô đất, dự án lớn nói trên và đền bù di dời 2 nhà máy thép.
UBND TP. Đà Nẵng đề xuất sử dụng các nguồn vốn để cân đối bổ sung 4.432 tỷ đồng, nhưng còn thiếu 5.712 tỷ đồng để đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Để bổ sung nguồn vốn còn thiếu, Đà Nẵng đề xuất phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng, và rà soát lộ trình triển khai các dự án động lực theo nguồn lực thực tế của Thành phố và xem xét phân kỳ việc thu hồi 7 dự án nêu trên.