Theo Báo cáo về kết quả rà soát tình hình sử dụng đất tại các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, sau khi tiến hành kiểm tra và rà soát, UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất đề xuất thu hồi một số dự án chậm triển khai tại các KCN trên địa bàn.
| ||
UBND TP.Đà Nẵng thống nhất với đề xuất thu hồi toàn bộ 10 dự án và thu hồi một phần 8 dự án |
Để thực hiện, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng thành lập Tổ công tác rà soát tình hình sử dụng đất và sản xuất của các dự án tại các KCN.
Theo đó, Tổ công tác gồm đại diện Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục Thuế thành phố, và Đại diện các Doanh nghiệp quản lý khai thác các KCN.
Báo cáo ghi rõ, sau khi Tổ công tác kiểm tra, rà soát 380 Dự án tại các KCN thì có 37 Dự án đề xuất thu hồi toàn bộ hoặc thu hồi một phần và gia hạn. Trong đó, có 10 dự án đề xuất thu hồi toàn bộ, 8 dự án thu hồi một phần.
Tổng diện tích đất đề xuất thu hồi lên đến 21,98 ha, bao gồm 11,17 ha thu hồi toàn bộ và 10,81 thu hồi một phần. Đáng chú ý là UBND yêu cầu thu hồi ngay 18,95 ha.
Theo Phụ lục đính kèm báo cáo này, Tổ công tác đã nêu đích danh 10 dự án được đưa vào diện phải thu hồi toàn bộ diện tích.
Trong đó, Công ty TNHH Phượng Nguyên được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 1/12/2011, thuê 5.000 m2 đất tại KCN Hòa Khánh để xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ dân dụng và xuất khẩu, với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ đồng. Đến nay, Công ty Phượng Nguyên không còn hoạt động.
Kế đến, Công ty Thép Thành Lợi nhận chuyển nhượng lại từ Công ty Nam Sơn 5.377 m2 tại KCN Hòa Khánh. Tổ công tác đề xuất chấm dứt dự án, thu hồi, đề bù tài sản trên đất đối với dự án này với lý do công nghệ lạc hậu, sản xuất kém hiệu quả và ngừng hoạt động trong thời gian dài.
Nổi bật nhất trong danh sách về quy mô đầu tư là Công ty TNHH DOT Việt Nam, đăng ký thuê 8.176 m2 tại KCN Đà Nẵng để đầu tư Nhà máy Sản xuất và lắp ráp thiết bị điện, điện tử, CNTT… với tổng vốn đăng ký 280 tỷ đồng. Cấp phép từ năm 2008 đến nay, nhà đầu tư này vẫn chưa triển khai xây dựng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vinatex Đà Nẵng đăng ký thuê 26.955 m2 đất từ năm 2007 tại KCN Đà Nẵng để xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc, vốn đầu tư 100 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng và chưa hoạt động.
Bưu điện TP Đà Nẵng cũng được giao 22.466 m2 đất trống tại KCN Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa thực hiện thủ tục đầu tư. Tổ công tác đề xuất thu hồi không chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bố trí đơn vị khác có nhu cầu.
Cũng trong tình trạng treo dài hạn, Tổ công tác đề xuất thu hồi 10.000 m2 đất tại KCN Hòa Cầm của Công ty TNHH Giấy Sinh Hòa Phát. Công ty này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009, đăng ký đầu tư 175,1 tỷ đồng xây dựng Nhà máy giấy vệ sinh, khăn ăn từ giấy Tisue.
Ngoài danh mục 10 dự án đề xuất thu hồi toàn bộ, Tổ công tác cũng đã “điểm danh” 8 dự án thuộc diện thu hồi một phần. Cụ thể, có một số gương mặt như Công ty XNK Tổng hợp Đà Nẵng (15.000 m2 – KCN Hòa Khánh), Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (44.000 m2 – KCN Hòa Khánh), Công ty TNHH WeixermSin Việt Nam (50.000 m2), CTCP xây dựng điện VNECO 6 (21.752 m2 – KCN Hòa Khánh), CT Cáp điện Việt Á (100.000 m2 – KCN Liên Chiểu),…
Trong báo cáo, UBND TP.Đà Nẵng đã đề nghị Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương thu hồi theo danh sách đính kèm. Qua đó, Đà Nẵng sẽ ưu tiên bố trí phần đất thu hồi này cho những doanh nghiệp có nhu cầu, phục vụ “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.
Được biết, tại Kết luận của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tại cuộc họp về tình hình quản lý, sử dụng đất tại KCN và các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn Thành phố, Thành ủy Đà Nẵng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Hữu Huân