Chiều 1/11, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện Đà Nẵng về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg.
Mục tiêu nhằm triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách đổi mới mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư TP Đà Nẵng: "Việc ký kết và triển khai các nội dung theo thỏa thuận giúp nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hồ sơ của Sở, cùng Đà Nẵng thực hiện chính quyền điện tử hiệu quả". |
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp hồ sơ và nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng và hệ thống thông tin của VNPOST (riêng lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp thực hiện trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia).
Bên cạnh đó, giúp tổ chức, doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực kế hoạch & đầu tư tại thành phố Đà Nẵng được thuận lợi hơn và góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Theo thỏa thuận hợp tác thì hai bên phối hợp cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, cho các tổ chức và doanh nghiệp (khách hàng) theo trình tự: Thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại địa chỉ khách hàng, tại hệ thống điểm giao dịch, thu hộ tiền phí/lệ phí liên quan đến hồ sơ (nếu có)...
Bà Nguyễn Thị Khánh Nga, giám đốc Bưu điện Đà Nẵng: "Bưu điện Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo thiêt bị và nhân lực để cùng các Sở, ngành triển khai ứng dụng CNTT trong xử lý các thủ tục theo dịch vụ hành chính công". |
Thay mặt khách hàng nhận kết quả giải quyết Thủ tục hành chính và phát trả đến địa chỉ khách hàng (tại TTP Đà Nẵng và Liên tỉnh). Thu hộ tiền phí/lệ phí liên quan đến hồ sơ (nếu có)… Các dịch vụ trên được áp dụng giá cước gồm: Cước chuyển phát + Cước thu hộ phí/lệ phí hồ sơ (nếu có) theo quy định.
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng cho rằng việc Ký kết thỏa thuận và triển khai các nội dung đi kèm góp phần vào mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng; giảm áp lực cho cán bộ công chức của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Sơn thì hiện nay việc triển khai theo dịch vụ công có một số tồn tại, nhất là trong công tác thông tin, tin truyền đến người dân và doanh nghiệp chưa sâu rộng. Do vậy, trong việc sử dụng các dịch vụ công ích có những hạn chế.
“Qua việc ký kết phối hợp, mong muốn Bưu điện Đà Nẵng kết hợp với các Sở, ngành trong việc tuyên truyền, quảng bá, làm sao cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu được lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công ích”- ông Sơn mong muốn.
Theo ông Trần Phước Sơn, để việc phối hợp thành công, Bưu điện Đà Nẵng cần tăng cường trang thiết bị, xây dựng đội ngũ nhân viên giao dịch đủ chuyên môn, nghiệp vụ để triển khai tốt các nhiệm vụ.
Phía Sở Kế hoạch-Đầu tư sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan kết hợp hướng dẫn nghiệp vụ cho các nhân viên giao dịch để tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tạo sự chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề hành chính.
Điện diện Sở Kể hoạch Đầu tư Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc (bên trái) và Bưu điện Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng Ký kết thỏa thuận thành công |
Bà Nguyễn Thị Khánh Nga, giám đốc Bưu điện Đà Nẵng cho rằng việc kết nối mạng CNTT của Bưu điện Đà Nẵng đã hoàn tất từ tháng 6/2018. Cũng từ đây, Bưu điện Đà Nẵng cùng với Tổng đài 1022 để triển khai QĐ45 tại Trung tâm Hành chính thành phố.
“Bưu điện Đà Nẵng tích cực triển khai nhiệm vụ thông qua làm việc với các Sở, ban ngành ký kết hợp tác với từng Sở, đi sâu vào quy trình, nghiệp vụ của từng Sở để đem đến những tiện ích, thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các thủ tục hành chính của từng Sở, làm sao để thủ tục nhận vào ít sai sót nhất. Riêng đối với dịch vụ công trực tuyến, bưu điện gần như miễn phí cho người dân”.
“Trong chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có 2,5 điểm là ứng dụng CNTT, các đại lý dịch vụ công trực tuyến góp phần vào 2,5 điểm đó; 2,5 điểm còn lại là cải cách TTHC, trong đó có trả kết quả tiếp nhận hồ sơ của người dân. Như vậy, nếu Bưu điện làm tốt, sẽ góp phần cùng chính quyền thành phố nâng cao hệ số thang điểm trong tổng điểm đánh giá PCI của thành phố”- Bà Nga chia sẻ.