Thời sự
Đà Nẵng tìm cách “chuộc” lại sân vận động Chi Lăng: Không đơn giản
Hà Minh - 02/08/2018 08:57
Bước chạy đà để “chuộc” lại sân vận động Chi Lăng đã được TP. Đà Nẵng khởi động từ vài năm trước và mới đây lại tiếp tục được lãnh đạo Đà Nẵng đề cập. Đây sẽ là một quá trình đấu tranh pháp lý không đơn giản.
TIN LIÊN QUAN

Thành tích thể thao… thụt lùi

Sân vận động Chi Lăng là biểu tượng gắn liền với lịch sử phát triển của TP. Đà Nẵng; đồng thời, cũng là sân vận động đã đồng hành cùng sự phát triển của bóng đá xứ Quảng.

Vài năm gần đây, thể thao Đà Nẵng không đạt được những thành tích cao. Lý giải thực trạng này, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân là sân vận động Chi Lăng đã bán cho doanh nghiệp.

.

Sân Chi Lăng không chỉ là nơi tập luyện, thi đấu của đội bóng đá Đà Nẵng, mà còn là nơi tập luyện của các vận động viên nhiều môn khác như điền kinh, võ thuật, cờ, cử tạ… Sau khi chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh vào năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng đã xây dựng sân vận động Hòa Xuân để thay thế. Nhưng, sân Hòa Xuân chỉ sử dụng để tổ chức các trận bóng đá, không có đường chạy điền kinh cũng như các tính năng như sân vận động Chi Lăng, nên nhiều bộ môn thể dục - thể thao của Đà Nẵng không có sân tập luyện cho các vận động viên.

Ông Nguyễn Trọng Thao, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng cho biết thêm, từ khi sân vận động Chi Lăng chuyển giao cho doanh nghiệp, gần 700 vận động viên của nhiều bộ môn thể dục - thể thao Đà Nẵng phải “tá túc” khắp nơi. Trong một thời gian dài, ngân sách của Thành phố đã phải tiêu tốn hàng chục tỷ đồng tiền thuê sân tập luyện, thuê xe di chuyển đến nơi tập của vận động viên, nhưng thành tích vẫn cứ bị… thụt lùi.

Cũng theo ông Thao, suốt mấy năm, nhà đầu tư sân Chi Lăng không “động tĩnh” gì, nên Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất UBND TP. Đà Nẵng cho phép sử dụng tạm sân vận động này. Nhưng, “ngày trở về” (năm 2014-2015), “thánh địa” này đã hoang tàn, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. “Do sân vận động không được đầu tư, nên đường chạy điền kinh bị sụt lún, các phòng tập bị thấm, dột. Tập luyện tạm bợ, không có nhà tập chuyên biệt cho các vận động viên, thì chất lượng và thành tích khó được như trước đây”, ông Thao chia sẻ.

“Chuộc” lại bằng cách nào?

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng vừa qua, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan để được thương lượng, lấy lại sân vận động Chi Lăng, phục vụ cho nhu cầu phát triển văn hóa - xã hội.

Quyết tâm của chính quyền Thành phố đã nhen lên hy vọng cho những người dân Đà Nẵng, nhất là với ngành văn hóa - thể thao.

Tuy nhiên, việc chuộc lại sân Chi Lăng không đơn giản, khi trong phiên xử gần đây, bị can Phạm Công Danh đã xin được giữ lại Dự án Sân Chi Lăng, vì trong số các đối tác đầu tư cùng Thiên Thanh, có cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại buổi Họp báo quý II/2018 do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhiều câu hỏi liên quan đến việc lấy lại sân vận động Chi Lăng đã được đặt ra, như: lấy lại bằng cách nào, kinh phí từ đâu, nếu lấy lại được thì sân vận động sẽ sử dụng vào mục đích gì…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng thông tin, sân vận động Chi Lăng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thiên Thanh, nên sân vận động này và khu đất 209 - Trường Chinh đang được đưa ra thi hành án.

Còn theo ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nguyện vọng của Đà Nẵng là muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng. “UBND Thành phố cũng đã họp và giao cho các sở, ban, ngành đề xuất tham mưu các ý kiến để làm sao sân vận động Chi Lăng “trở về” với địa phương. Đây từng là thiết chế văn hóa của Đà Nẵng. Trước mắt, chúng ta cần có ý chí, còn kinh phí và mọi việc khác sẽ được bàn tính cụ thể”, ông Dũng nói.

Liên quan đến việc “chuộc lại” sân vận động Chi Lăng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, nguyện vọng của nhân dân cũng như lãnh đạo Thành phố rất muốn lấy lại sân Chi Lăng, vì nơi đây gắn liền với quá trình đấu tranh lịch sử của Đà Nẵng, nhưng việc lấy lại khi đã giao cho nhà đầu tư là không đơn giản. “Không phải chính quyền nói là chính quyền lấy được ngay. Phải có một quá trình đấu tranh pháp lý nhất định và quá trình pháp lý đó còn nhiều vấn đề”, ông Nghĩa cho biết.

Nếu chuộc lại sân Chi Lăng, Đà Nẵng sẽ  sử dụng vào mục đích gì, sân Hòa Xuân sẽ được khai thác ra sao? Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, đại diện một ban chuyên môn của Đà Nẵng cho biết, mục đích lấy lại sân Chi Lăng của Đà Nẵng là để kêu gọi các nhà đầu tư khác đầu tư vào đây. “Nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến vị trí này, trong đó có nhà đầu tư Singapore”, vị đại diện này cho biết.

Năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh với mức giá gần 1.500 tỷ đồng và dùng số tiền này để xây dựng công trình phục vụ sự phát triển kinh tế của địa phương.

Sau khi nhận chuyển nhượng, chủ đầu tư đã chia thành 14 lô đất, thế chấp ngân hàng để vay số tiền lớn.

Để bàn giao mặt bằng sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh, TP. Đà Nẵng đã phải giải tỏa, đền bù cho hàng trăm hộ dân với số tiền đền bù hàng trăm tỷ đồng; đồng thời, phải đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng một khu liên hợp thể thao mới để thay thế cho sân vận động Chi Lăng đã bán.

Đến năm 2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) bắt tạm giam vì sai phạm trong quản lý kinh tế. Theo hồ sơ điều tra, Dự án Sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm, nên bị phong tỏa và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.

Tin liên quan
Tin khác