Đà Nẵng dành một số quỹ đất tại Khu dân cư số 4 - Nguyễn Tri Phương để thu hút dự án đầu tư xã hội hóa Ảnh: Phước Tín |
Thiếu hành lang pháp lý
Tính đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có 6 dự án xã hội hóa được lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, 5 dự án đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thành công và lựa chọn được nhà đầu tư, gồm: Dự án Trường mầm non tại Khu đất C4, Khu dân cư số 4 - Nguyễn Tri Phương (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu); Dự án Trường mầm non tại Khu A2-1, Khu dân cư Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà); Dự án Trường TH - THCS - THPT quốc tế tại Khu đất A1, Khu dân cư Tuyên Sơn mở rộng (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu); Dự án Trường TH - THCS - THPT quốc tế tại Khu đất A2, Khu dân cư Tuyên Sơn mở rộng (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu); Dự án Sân bóng đá mini cỏ nhân tạo (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Ngoài ra, còn Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế tại Khu dân cư số 4 - Nguyễn Tri Phương (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện giao đất. Chủ đầu tư đã xây dựng, hoàn thành công trình trong tháng 9/2017, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân địa phương, góp phần phục vụ sự kiện Hội nghị Cấp cao APEC.
Ngày 20/3/2020, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND, trong đó nêu danh mục các xã/phường, quận/huyện và các loại hình, lĩnh vực xã hội hóa được khuyến khích đầu tư và các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về lệ phí trước bạ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và ưu đãi về tín dụng đầu tư, nhưng không bao gồm chính sách miễn giảm tiền thuê đất.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc không quy định chính sách miễn tiền thuê đất trong Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND là do trong giai đoạn 2016 - 2018, Thành phố đã ban hành Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22/3/2016 với chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, đồng thời các dự án xã hội hóa được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất (đối với đất sạch) hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, ngày 9/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (có hiệu lực từ ngày 15/11/2016). Trong đó, tại Khoản 5, Điều 3 của nghị định này quy định không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê.
Điều này dẫn đến các dự án xã hội hóa lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất không được áp dụng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất. Ngoài ra, theo quy định tại điểm 7, khoản 3, Điều 1, Nghị định 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa có nêu: “Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa thì thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng và hiệu quả theo quy định tại pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai”.
Có điều là, từ khi ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP đến năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn về quy định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa. Từ những vướng mắc, bất cập do thiếu hành lang pháp lý hướng dẫn việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để cho thuê đất thực hiện xã hội hóa, cũng như việc không cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thuê đất đối với dự án xã hội hóa lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, nên trong Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng không có quy định chính sách miễn giảm tiền thuê đất.
Cần những hướng dẫn cụ thể
Theo UBND TP. Đà Nẵng, ngày 28/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có quy định lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Tại khoản 3, Điều 16, Nghị định này đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (được sửa đổi bởi khoản 7, Điều 108, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ) quy định: “Đối với dự án theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 1 Nghị định này, căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các nội dung khác (nếu có), bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế…”.
Song, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể, nên việc thực hiện thủ tục đấu thầu với dự án xã hội hóa còn bất cập, chưa thực sự đầy đủ hành lang pháp lý để triển khai thực hiện.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn: “Trường hợp không phải đấu giá, đấu thầu theo quy định tại khoản 12, Điều 1, Nghị định 148/2020/NĐ-CP, UBND (cấp tỉnh, thành phố) chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (theo quy định tại khoản 4, Điều 29, và điểm a, khoản 1, Điều 32, Luật Đầu tư)”.
Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại một địa điểm thì cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư và giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn áp dụng pháp luật về đấu thầu để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ (theo quy định tại khoản 7, Điều 29, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ các điều khoản sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc pháp luật khác, đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Do vậy, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ chuyên ngành khẩn trương ban hành đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, các hướng dẫn về hồ sơ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với dự án xã hội hóa.
Đà Nẵng muốn có cơ chế đặc thù
Nội dung của chính sách khuyến khích xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP) bao gồm chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; chính sách chi thuê đất (chính sách miễn, giảm tiền thuê đất); chính sách về lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chính sách về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách ưu đãi về tín dụng; chính sách đặc thù (hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho các dự án xã hội hóa từ nguồn vốn ngân sách thành phố).
Trên cơ sở đó, trong năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Dự thảo quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, chủ động lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về những nội dung có tính chất đặc thù của thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết và tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết. Hồ sơ xây dựng Nghị quyết này đã được gửi Sở Tư pháp thẩm định. Dự kiến, tại kỳ họp bất thường đầu năm 2023, UBND TP. Đà Nẵng sẽ trình HĐND Thành phố thông qua, ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025.