Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay vẫn tồn tại tình trạng chất thải rắn không được quản lý tốt, giá thu gom phê duyệt thấp, đơn vị nhà nước thì không thu, đơn vị tư nhân có thu thì đổ thải không đúng quy định.
Cùng với đó, có tình trạng chất thải rắn xây dựng tại các điểm tập kết được thu gom cùng với chất thải rắn sinh hoạt để vận chuyển về bãi chôn lấp; rác kích thước lớn không được thu gom riêng một cách có hệ thống, đổ thải bữa bãi, chưa quy định đơn giá và cũng được vận chuyển về bãi chôn lấp.
Bãi rác Khánh Sơn, TP Đà Nẵng. |
Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hùng, trước thực trạng đó, kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019 – 2022 đặt ra mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở từng cá nhân, tổ chức, tạo ý thức chấp hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngay khi có phát sinh nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; từng bước kiện toàn hệ thống phân loại - thu gom - xử lý trung gian - tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn thành phố theo phương thức phân loại phù hợp.
“Dự kiến đến giai đoạn 2021-2022, rác thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn theo 4 nhóm: rác có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại; rác thuộc nguy hại như pin, ắc quy, bóng đèn; chất thải vật liệu xây dựng/vật cồng kềnh; rác còn lại. Tỷ lệ giảm chôn lấp từ 15-20/25%”, ông Tô Hùng cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhận định, việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là rất cần thiết, giúp tăng hiệu quả trong công tác quản lý chất thải phát sinh, giảm áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý chất thải, tạo tiền đề từng bước cải thiện, đổi mới, hoàn thiện hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao ý thức bảo vệ của cộng đồng.
“Việc phân loại rác phải được thực hiện đồng bộ từ nguồn phát sinh, khâu vận chuyển cho đên tận bãi rác, khu vực xử lý rác, tránh tình trạng rác thải đã được phân loại tài nguồn nhưng khi vận chuyển về bãi rác bị dồn chung lại, đổ lẫn vào với nhau. Thành phố sẽ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phân loại, vận chuyển rác và xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển rác bằng cách kêu gọi các đơn vị tham gia đấu thầu để thực hiện” Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, trong thời gian trước mắt, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng thí điểm phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn các quận Thanh Khê và Sơn Trà. Đồng thời UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Mô trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện kế hoạch, sớm trình UBND thành phố phê duyệt để triển khai các bước chuẩn bị mua sắm trang thiết bị, đảm bảo thực hiện đồng loạt phân loại rác thải tại nguồn trên toàn thành phố từ tháng 3/2019.