Đầu tư Phát triển bền vững
Đà Nẵng trên “đường đua” đô thị thông minh, đáng sống
Linh Đan - 22/11/2023 09:10
Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Mục tiêu này đã và đang được chính quyền và nhân dân thành phố này nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa.
Không gian đô thị Đà Nẵng ngày càng được mở rộng, khang trang

Mục tiêu hướng đến là thành phố đáng sống

Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nhận diện không gian đô thị Đà Nẵng là tập trung phân tích quy hoạch không gian phát triển đô thị Đà Nẵng, kiến trúc đô thị và định hướng xây dựng thành phố môi trường, đô thị thông minh, chính quyền đô thị…

Đến năm 2030, Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, toàn Thành phố được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu gồm: Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông (khoảng 6.644 ha); Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng (khoảng 1.530 ha); Phân khu Cảng biển Liên Chiểu (khoảng 1.285 ha); Phân khu Công nghệ cao (khoảng 5.585 ha); Phân khu Trung tâm lõi xanh (khoảng 4.775 ha); Phân khu Đổi mới sáng tạo: diện tích khoảng 3.903 ha; Phân khu Sân bay (khoảng 1.327 ha); Phân khu đô thị Sườn đồi (khoảng 2.729 ha); Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (khoảng 2.986 ha); Phân khu Dự trữ phát triển (khoảng 5.858 ha); Phân khu sinh thái phía Tây (khoảng 57.692 ha); Phân khu sinh thái phía Đông: bao gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà (khoảng 4.232 ha).

Nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Đà Nẵng là, quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng xây dựng thành phố trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.

Đồng thời, Đà Nẵng sẽ thực hiện điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực; phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn...

Về phương án tổ chức hệ thống đô thị, thời kỳ 2021-2030, hệ thống đô thị thành phố Đà Nẵng bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về mật độ dân số, mật độ xây dựng, các chỉ tiêu phát triển đô thị theo quy định và tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt.

Đà Nẵng sẽ phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.

Về định hướng phát triển khu vực trung tâm, khu đô thị hiện hữu gồm 6 quận nội đô (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp) được định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng; hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại (Central Business District - CBD) hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống....

Các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển với mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn, hình thành các không gian xanh công cộng, các không gian mở trong các khu dân cư, xây dựng hệ thống giao thông tích hợp với mạng lưới giao thông công cộng chung toàn thành phố. Khu vực phát triển đô thị mới sẽ phát triển về phía Tây, Tây Bắc Thành phố.

Đến năm 2030, khu vực đô thị hoá được xác định tại 9 xã của huyện Hoà Vang bao gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 90%. Cũng tại Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng được định hướng phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm: xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng.

Đặc biệt, theo UBND TP. Đà Nẵng, thực hiện chủ trương theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân thuộc quy hoạch phân khu khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (phân khu sinh thái phía Tây) là 1 trong 12 phân khu đang được đề xuất nghiên cứu, có vai trò quan trọng đối với định hướng quy hoạch toàn thành phố, tạo lập hình ảnh đô thị mới điện đại, chất lượng cao, hình thành những khu vực đô thị nghỉ dưỡng năng động, hấp dẫn để phù hợp cho cả phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, cung cấp các hoạt động nghỉ dưỡng giải trí cao cấp trên địa bàn quận Liên Chiểu…

Việc đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân phát triển theo hướng hỗn hợp đô thị, du lịch là phù hợp và cần thiết, góp phần tạo hạ tầng đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng mới mẻ, đa dạng trong khu vực; góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển mạnh mẽ.

Xây dựng đô thị thông minh

Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đô thị sinh thái, hiện đại, Đà Nẵng còn nỗ lực từng ngày để xây dựng đô thị thành phố thông minh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, mục tiêu xây dựng đô thị thành phố thông minh được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Do vậy, Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 6439/QĐ-UBND) đặt ra mục tiêu sớm hơn so với mục tiêu chung toàn quốc tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là, đến năm 2020, thành phố sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; đến năm 2025 thông minh hóa các ứng dụng; đến năm 2030 thông minh hóa ứng dụng cộng đồng; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN theo mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Về hạ tầng số, Đà Nẵng đã hành thành hạ tầng mạng đô thị dùng riêng, băng thông rộng, kết nối tất cả các cơ quan Đảng và Nhà nước; Trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho triển khai các ứng dụng thông minh; Hệ thống họp trực tuyến dùng chung và tiếp tục được nâng cấp, mở rộng; Trung tâm Mini IOC và các trung tâm chuyên ngành (OC) giao thông, an ninh, môi trường, điện.

Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc triển khai Đề án thành phố thông minh đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu. Công tác quản lý điều hành từng bước chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường số, bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số.

Thành phố đã hình thành Trung tâm Mini IOC với 18 dịch vụ đô thị thông minh; hình thành các Trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông, quan trắc môi trường, điều khiển điện chiếu sáng công cộng...

Đặc biệt, Đà Nẵng đã hình thành Kho dữ liệu số cho mỗi công dân gắn với mã QR cá nhân, sử dụng dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ giấy phải nộp...

Trong khi đó, Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030,  tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu Đà Nẵng sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn liền với triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện quản lý quy hoạch đô thị thông minh dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị số hóa, các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo; quản lý, duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, Kiến trúc Thành phố thông minh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và yêu cầu phát triển Chính phủ số, Thành phố thông minh.

Thành phố thông minh cũng là một trong 5 định hướng của Thành ủy Đà Nẵng trong chương trình triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW trên địa bàn Thành phố với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.

Mới đây, Ban tổ chức Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 đã thông báo Đà Nẵng đạt Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023. Ban tổ chức đã lựa chọn trao giải thưởng Thành phố thông minh 2023 tại các lĩnh vực như Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là giải thưởng duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị. Như vậy, TP. Đà Nẵng là địa phương lần thứ 4 liên tiếp vinh dự được trao giải thưởng này. Đây không chỉ là tín hiệu vui, mà còn cho thấy, tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng đã được ghi nhận, đánh giá cao.

Tin liên quan
Tin khác