Nét quyến rũ của Đà Nẵng cũng từ đây được đánh thức mạnh mẽ để phục vụ phát triển du lịch. |
Một giai đoạn phát triển sôi nổi và năng động đã đưa thương hiệu Đà Nẵng vang danh trên bản đồ khu vực và thế giới. Từ một thành phố nhỏ bé bên sông Hàn, Đà Nẵng bừng tỉnh, vươn vai đứng dậy đẹp ngỡ ngàng khiến du khách trong và ngoài nước ngưỡng mộ, yêu mến và thán phục. Những nhịp gõ gấp gáp của mùa xuân mới đang về, mở ra một giai đoạn mới. Đà Nẵng với những bước chân vững vàng đang hướng đến những niềm tin thắng lợi.
Chung sức, đồng lòng đi từ không đến có
Nếu ai từng sống ở Đà Nẵng và gắn với “tuổi thanh xuân” của thành phố này sẽ cảm nhận được những đổi thay ngoạn mục, vượt bậc, nhanh chóng đến ngỡ ngàng. Ngày trước, muốn đến Đà Nẵng bằng đường bộ phải thông qua ngã ba Huế và ga tàu lửa. Ngã ba Huế cách trung tâm nội thị không xa lắm, nhưng nếu xuống xe ở vị trí này để vào thành phố thì… đi hoài mới tới, vì đường từ ngã ba này vào trung tâm thành phố mới là đường mòn, rộng chừng 3 - 5m, hai bên là những hàng cây trứng cá xác xơ.
Đến một ngày đường mòn được thay thế bằng tuyến Điện Biên Phủ rộng thênh thang hiện tại nối với đường Lê Duẩn băng qua cầu Sông Hàn chạm vào đường Phạm Văn Đồng rồi dừng chân tại công viên Biển Đông, nơi bãi biển Mỹ Khê - một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, thì Đà Nẵng đã hoàn toàn lột xác.
Nơi ngã ba Huế ngày xưa ấy, giờ là chiếc cầu vượt khác mức có kiến trúc độc đáo 3 tầng ấn tượng, một biểu tượng của thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo và sẵn sàng như mũi tên được đặt trên cánh cung bay về phía trước. Nơi giao nhau giữa đường Điện Biên Phủ và Lê Duẩn giờ là hầm chui Nguyễn Tri Phương hiện đại, thuận tiện và phân bổ giao thông hợp lý…
Đường lớn mở, hai bên sông Hàn được quy hoạch lấn sông, dấu vết nhà chồ lếch thếch xưa quay lưng về mặt sông giờ là những cao ốc hào nhoáng chọc trời, hiện đại, khang trang. Những chiếc đò chòng chành đưa khách sang sông từ quận 3 (Sơn Trà) qua quận Nhất (Hải Châu) dần được thay thế bằng cầu quay Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Tuyên Sơn, cầu Trần Thị Lý…
Đà Nẵng từ chỗ chỉ có mỗi toà nhà Danang Riverside Hotel dọc sông Hàn, Green Plaza, Indochina Riverside Tower, Azuza, ACB, thì nay hàng loạt các cao ốc, khách sạn hào nhoáng khác mọc lên: Novotel, Vinpearl, Brilliant Hotel… Vòng ra phía biển, là khu nghỉ dưỡng Furama, Sandy Beach, Hyatt Regency, Ocean Villas, Sun-Premier, Pullman, Crown Plaza, BRG, Intercontinental Spa and Resort, Pulchra...
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 của Đà Nẵng đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997.
Môi trường đầu tư của Đà Nẵng được đánh giá năng động và thông thoáng; luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh. Năm 2021, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chuyển đổi số…
Nét quyến rũ của Đà Nẵng cũng từ đây được đánh thức mạnh mẽ để phục vụ phát triển du lịch. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến bay thẳng từ các sân bay quốc tế đến Đà Nẵng và những cánh bay cất cánh liên tục hướng về TP.HCM, Hà Nội… Tận dụng cơ hội vàng từ du lịch và bất động sản, sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ trong vòng 10 năm đã được nâng cấp, mở rộng 2 lần, thành một trong 3 sân bay quốc tế lớn của cả nước. Không dừng lại ở đó, Đà Nẵng đang tiếp tục quy hoạch sân bay quốc tế Đà Nẵng, nâng công suất lên 30 triệu lượt hành khách/năm và từng bước hình thành ý tưởng quy hoạch một đô thị sân bay độc đáo vươn lên thành trung tâm kinh tế năng động của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Từ một cửa ngõ duy nhất là ngã ba Huế, ga đường sắt, Đà Nẵng đã “mở cửa” bầu trời, đầu tư cảng biển Tiên Sa (tương lai là cảng đặc biệt quốc gia Liên Chiểu), phát triển giao thông đối ngoại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… từ đó mở ra nhiều cơ hội giao lưu, thu hút đầu tư và nâng tầm Đà Nẵng trở thành thành phố hiện đại, giàu tiềm năng phát triển. Đà Nẵng lung linh và hào nhoáng hơn với khu du lịch đẳng cấp Bà Nà Hills; mềm mại với cầu Rồng uốn lượn; công viên APEC hội tụ bản sắc văn hóa của các nền kinh tế…
Tự tin bước từ những bản lề vững chắc
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, có lẽ trong ký ức của mỗi người dân Thành phố chưa bao giờ phai mờ hình ảnh những năm tháng đầy gian khó, khi Đà Nẵng là đơn vị hành chính loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với xuất phát điểm thấp, quy hoạch rời rạc, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn; nhiều vấn đề quy hoạch được đặt ra. Thành phố có những bãi biển đẹp nhất hành tinh, nhưng vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ.
Những ngày đầu chia tách, Đà Nẵng phải tiếp tục đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, nhất là phải chống chịu thiên tai, bão lụt triền miên, sự yếu kém nội tại của nền kinh tế, đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển. Đây là những khó khăn, thử thách không nhỏ đối với một thành phố non trẻ như Đà Nẵng.
Chính trong gian nan, thách thức đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Đà Nẵng đã phát huy truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường, đoàn kết, bản lĩnh, phát huy những thành quả của các thời kỳ trước đây, luôn nhạy bén với cái mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của thành phố, và đã đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội.
Ghi nhận những thành quả sau 25 năm kiên trì, bền bỉ, nỗ lực, sáng tạo, đột phá và vượt khó, tại Tọa đàm 25 năm Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hạ tầng của Đà Nẵng đã được kết nối, không gian đô thị được mở rộng nhiều lần, diện mạo thành phố thay đổi hoàn toàn. Sự phát triển hai bên bờ sông Hàn cân đối, hài hòa với 9 chiếc cầu bắc qua dòng sông thơ mộng, nối liền hai bờ Đông - Tây, nhiều cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, thân thiện. Thành phố được quy hoạch hướng ra sông, ra biển, xen kẽ đồi núi, vừa hiện đại, vừa quyến rũ, duyên dáng và năng động, là một điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách Việt Nam, mà cả châu Á và thế giới.
Dẫu vậy, nhìn lại chặng đường phát triển 25 năm của Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Đà Nẵng phát triển nhưng quy mô, tầm vóc còn nhỏ, chưa xứng tầm là thành phố loại I, thành phố đặc biệt trực thuộc Trung ương, thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Do đó, Đà Nẵng phải nỗ lực thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị là trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
“Chìa khóa thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, đặc biệt là nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ, có tay nghề cao, giỏi công nghệ, đón đầu nhu cầu nhân lực bậc cao của cách mạng công nghiệp 4.0. Chính quyền thành phố phải dự báo nhu cầu và đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường, của nhà đầu tư; phải xem giáo dục - đào tạo, cả đào tạo nghề, là vũ khí mạnh nhất để thay đổi, phát triển Đà Nẵng trong thời đại công nghệ số và đổi mới sáng tạo; Đà Nẵng phải thực hiện phát triển xanh, là nơi đáng sống, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, có bản sắc riêng...”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Dòng Sông Hàn vẫn chảy trôi, có lúc bình lặng, lúc lao xao sóng vỗ, là chứng nhân trung thành chứng kiến những đổi thay của Đà Nẵng. Tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình, sông Hàn sẽ lại đem đến những dự cảm tốt lành về thành quả của sự đồng lòng, quyết tâm đưa Đà Nẵng mạnh mẽ bước về phía trước, như ca từ trong nhạc phẩm “Đà Nẵng tôi yêu” của nhạc sỹ Quỳnh Hợp: “Mắt nhìn thẳng và chân ta bước tiếp/Xây thành phố này vươn tới những tầm cao/Thêm những chiếc cầu cho đôi bờ nối nhịp/Thêm những công trình gần lại với trăng sao”!