Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 15/11, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng Diễn đàn nhằm tạo môi trường để đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 39/NQ-TW; những khó khăn, bất cập ở Trung ương, địa phương và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp phù hợp để Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 400.000 công chức và khoảng 2.000.000 viên chức. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị đến hết tháng 9/2018, cả nước đã tinh giản được hơn 40.000 người.
Tuy nhiên, hệ thống "cồng kềnh" biên chế công vụ Việt Nam vẫn đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, với 4,8% công chức trên tổng dân số. Điểm đặc biệt, mặc dù lương thấp nhưng tổng chi lương của Việt Nam đến năm 2020 có thể lên hơn 11% GDP, cao hơn hẳn tỷ lệ hiện nay của các nước có thu nhập cao.
Giải thích về hệ thống biên chế công vụ "cồng kềnh," kém hiệu quả, ông Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ nguyên nhân chính là do rào cản trong văn bản pháp luật, trong đó việc quy định cứng về tổ chức, biên chế trong các văn bản luật chuyên ngành không thuộc hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức nhà nước, làm tăng tổ chức bộ máy, tăng biên chế; cơ chế “xin-cho” nặng nề, tệ nạn tham nhũng còn nhiều; hệ thống khổng lồ các tổ chức đoàn thể chính trị hưởng lương; xã hội ít khích lệ kinh doanh... gây khó khăn cho các cấp hướng dẫn, phân cấp, tổ chức thực hiện và vướng mắc trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, tinh giản biên chế theo yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm, còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong chỉ đạo tổ chức thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế.
Hiện tượng “chạy chọt” để không phải vào diện tinh giản biên chế vẫn còn tồn tại gây ra tệ nạn tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương. Ngoài ra, các quy định trong các luật khác nhau như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo... chưa đồng bộ khiến cho việc thực hiện các luật còn trùng lặp, chồng chéo.
Vì vậy, muốn tinh giản được biên chế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế, tiến hành tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm; xây dựng cơ chế giám sát cụ thể... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị những giải pháp tinh giản biên chế, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về chủ trương tinh giản biên chế.
Các bộ, ngành thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương xây dựng Đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và của từng năm, trong đó xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế; đồng thời, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế đối với công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và nghỉ hưu, thôi việc theo quy định.