Thời sự
Đã tinh giản hơn 1.000 biên chế và dự kiến sẽ giảm 623 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc
Lê Sơn - 16/07/2019 17:26
Đây là nội dung đáng chú ý này được Bộ Nội vụ đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 16/7, tại Hà Nội
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Hợp nhất nhiều trung tâm, phòng ban có chức năng tương đồng

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2015 đến 30/6/2019, Bộ Nội vụ đã thẩm tra, tinh giản biên chế với số lượng 41.515 người. Trong đó, từ tháng 10/2018 đến 30/6/2019 là 1.015 người, bao gồm: Cơ quan đoàn thể đảng 1 người, cơ quan hành chính: 22 người, đơn vị sự nghiệp công lập: 285 người, cán bộ công chức xã: 57 người, số còn lại thuộc hợp đồng lao động chiếm cao nhất là 650 người. Cũng theo Bộ Nội vụ, tính đến tháng 6/2019, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; đã có 54/63 tỉnh thực hiện việc sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập trung tâm phòng ngừa và kiểm sát bệnh tật; có 437/713 đơn vị cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.

Thực hiện đề án văn hoá công vụ, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều biện phát siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; kỷ luật hành chính, thực thi công vụ; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đi vào nền nếp. Đến nay có 36 cơ quan đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, công tác đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ ở một số bộ, ngành và địa phương vẫn còn chưa đúng quy định, gây bức xúc dư luận; vẫn còn phiền hà, gây nhũng nhiễu người dân khi giải quyết các công việc…

Hơn 1.000 xã thuộc diện sáp nhập và khuyến khích sáp nhập

Về công tác sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ cho biết, đến nay có 20/713 huyện và 623/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp lại theo Nghị quyết 653 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Trong đó, có 4 tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, có 9 tỉnh đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trong giai đoạn 2019-2021. Có 2 địa phương là TPHCM và Cần Thơ chưa có báo cáo về việc này.

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, có 653/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp và số xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp và xã liền kề liên quan đến sắp xếp lên đến 1.026 đơn vị. Một số tỉnh có số lượng cấp xã sắp xếp lại nhiều như Hoà Bình giảm 59/210 xã (tỷ lệ giảm 28,09%), Cao Bằng giảm 40/199 xã (giảm 20,10%), Phú Thọ giảm 52/277 xã (giảm 18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/264 xã (giảm 17,56%)…

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành bảo đảm 2 tiêu chí theo quy định về dân số và diện tích.

Từ thực tế này, Bộ Nội vụ xác định, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm là tập trung tham mưu cấp thẩm quyền sớm hoàn thành việc giao biên chế công chức năm 2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tập trung thực hiện quy định về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, xác định vị trí việc làm ngày khi được Chính phủ quan tâm. Đặc biệt, tham mưu, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp theo phương châm “tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính”

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu bật những kết quả mà ngành nội vụ đạt được 6 tháng đầu năm, là nền tảng quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót cần nghiêm túc nhìn nhận để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Đó là, việc xây dựng thể chế, cụ thể hoá các văn bản của Trung ương còn chậm so với yêu cầu, tốc độ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và tự chủ chậm so với lộ trình; việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sở, ban, ngành ở các địa phương chưa hoàn thành, thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn, vướng mắc; giải quyết chính sách khi sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính còn khó khăn, chính sách giải quyết dôi dư với người hoạt động không chuyên trách cấp xã cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện.

Không “vận dụng” chính sách trong công tác cán bộ

Vẫn theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, một số nơi chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn tình trạng chưa gương mẫu, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu…

Công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, chưa thống nhất trong cách thức giải quyết nhiệm vụ theo yêu cầu, công tác tham mưu, nắm tình hình, xử lý thông tin chưa kịp thời, chủ động, nhất là vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Trước những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các Sở Nội vụ, Vụ tổ chức bám sát và thực hiện nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao đúng tiến độ, bảo đảm hoàn thành 100% khối lượng công việc đề ra từ đầu năm.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Công tác tổ chức cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tổ chức bộ máy và sinh mạng chính trị của nhiều cá nhân. Do đó, trong quá trình tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước ngành Nội vụ cần bám sát và tuân thủ các nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật. Tuyệt đối không được vận dụng chính sách, đối với các vấn đề mới phát sinh, vướng mắc chưa được giải quyết thì có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn.

 

Tin liên quan
Tin khác