Điểm nóng
Đã xét xử 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch Covid-19
Nguyễn Lê - 18/10/2021 18:14
Năm 2021, tòa án đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, đã xét xử 136 vụ với 177 bị cáo
Một trong số các bị cáo bị xét xử trong năm 2021. 

Gửi Quốc hội báo cáo công tác của các toà án, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch.

Từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%); số vụ việc đã thụ lý giảm 64.675 vụ việc, đã giải quyết giảm 107.944 vụ việc.

Về xét xử các vụ án hình sự, tòa án đã thụ lý 88.607 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo (thụ lý giảm 1.119 vụ, giải quyết giảm 8.361 vụ).

Riêng về thụ lý, xét xử các vụ án liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, báo cáo nêu, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tòa án đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Các tòa án đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, đã xét xử 136 vụ với 177 bị cáo (trong đó, các tòa án xử phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 2 bị cáo, tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 30 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống đối với 140 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác).

Về thụ lý, xét xử các tội phạm tham nhũng, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử 254 vụ với 631 bị cáo  (thụ lý giảm 21 vụ với 12 bị cáo, xét xử giảm 15 vụ với 14 bị cáo).

Với các tội phạm khác về chức vụ, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 54 vụ với 280 bị cáo; đã xét xử 28 vụ với 122 bị cáo (thụ lý giảm 1 vụ tăng 17 bị cáo, xét xử tăng 6 vụ giảm 30 bị cáo).

Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 2.263 vụ với 4.125 bị cáo (chiếm 3,06% số vụ và 3,03% số bị cáo trong tổng số vụ án hình sự đã thụ lý) .

Chánh án khằng định, Tòa án Nhân dân tối cao luôn quan tâm chỉ đạo các tòa án kịp thời đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng. Các tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.

Để công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao, ngoài việc áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, các tòa án còn chú trọng làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt. Có 2 vụ với 2 bị cáo phạm tội kinh tế, tham nhũng đã áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các tòa án đã xét xử sơ thẩm 26 vụ, phúc thẩm 11 vụ và giám đốc thẩm 2 vụ án. Trong quá trình giải quyết, các tòa án luôn quan tâm đến công tác giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài sản do phạm tội mà có; về cơ bản đảm bảo chất lượng và thời hạn theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, không có trường hợp bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định ngành toà án đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: Vụ án Lê Quang Hiếu Hùng và các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một số vụ án khác cũng được nhắc đến ở phần này là vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Vụ án Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Sabeco; vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Tin liên quan
Tin khác