TIN LIÊN QUAN | |
Ẩn số tháng 8 | |
WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới tiềm năng | |
Nhận diện tiêu thụ trong nước | |
Nhận diện tăng trưởng GDP năm 2014 | |
Kích hoạt động lực tăng trưởng kinh tế |
Những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế tiếp tục được các thành viên Chính phủ chỉ ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2014, diễn ra trong hai ngày 30 - 31/7/2014. Không chỉ là đánh giá của Chính phủ, mà nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô, cũng không khó để nhận thấy điều này.
Niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế xuất hiện thêm các yếu tố thuận lợi (ảnh: Đức Thanh) |
Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp tục duy trì đà phục hồi, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Con số này, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là cao hơn nhiều so với mức tăng 5,2% của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, riêng IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng tới 8,1%. Con số này của năm ngoái chỉ là 5,8%.
“Nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 đã tiếp tục đà phục hồi và đạt được những kết quả tích cực”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định và viện dẫn hàng loạt con số để chứng minh cho nhận định của mình.
Đó là việc 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; hay tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, với lũy kế tới ngày 15/7, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 448.870 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán năm (cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 46,8% dự toán)…
Thậm chí, nếu như tháng trước, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông còn tác động mạnh tới kinh tế - xã hội Việt Nam, thì sang tháng này, các dấu hiệu bất ổn định đã lui dần. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu, sau 2 tháng giảm liên tục so với tháng trước, đã tăng trở lại, với 12,4 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc ước tăng trên 2%.
Tương tự như vậy, khách quốc tế đến Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong tháng 7/2014 với mức tăng 4,6% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,85 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng năm 2013 đạt 4,2 triệu lượt, tăng 5,9% - PV).
Rõ ràng, nếu đặt các chỉ số kinh tế vĩ mô của cùng kỳ và 7 tháng đầu năm nay bên cạnh nhau, phần trội hơn đã thuộc về năm 2014. Các yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng đã xuất hiện. Chẳng hạn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng 11,4% so với cùng kỳ. Nếu trừ đi yếu tố giá cả, mức tăng này là 6,3%, đã tăng hơn so với mức tăng 4,86% của cùng kỳ. Sức mua được cải thiện, sẽ tạo động lực cho thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và đầu tư.
Một báo cáo vừa được Ngân hàng ANZ công bố hôm 30/7 cũng cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7/2014 (134,1 điểm, tăng 3,1 điểm) và hiện đã vượt xa mức trung bình của năm 2014 (là 131 điểm).
Niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam dường như đang thay đổi theo bối cảnh kinh tế vĩ mô dần cải thiện sau một thời gian căng thẳng trong vấn đề Biển Đông”, ông Glenn Maguire, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ nhận định và cho rằng, việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam cũng đã giải phóng tâm lý của người tiêu dùng và kích thích chi tiêu. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh chi tiêu cá nhân đang ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng và ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sức mua đang được cải thiện, cộng thêm việc giải ngân các nguồn vốn FDI, ODA, vốn ngân sách có dấu hiệu tích cực hơn, cũng sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2014.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn ODA giải ngân ước đạt 2,51 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Còn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 60,2% so với kế hoạch năm.
“Vốn đầu tư giải ngân tăng và vốn được tung ra nền kinh tế nhiều hơn, sẽ tác động tốt hơn tới tăng trưởng, nhất là ở một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa vào đầu tư nhiều như Việt Nam”, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nói.
Tuy nhiên, ông Ân cũng thừa nhận, các động lực cho tăng trưởng kinh tế của năm nay còn khá yếu ớt. “Chưa có dấu hiệu nào thực sự đột phá, để tạo sức bật cho nền kinh tế”, ông Ân nhận định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo trình Chính phủ, cũng đưa ra nhận định rằng, nếu không triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp một cách đồng bộ, có hiệu quả, cùng với những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài, thì tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ đạt khoảng 5,25%, không đạt được mục tiêu đề ra (5,8%).
Các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập. Đó là, cùng với các giải pháp thúc đẩy sản xuất, có thể tăng khai thác dầu khí thêm 1 triệu tấn và thêm 500.000 tấn than so với kế hoạch, góp phần làm giá trị gia tăng của ngành công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,48% so với năm 2013; Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm khoảng 6,2%, trong đó chú trọng các giải pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra, đồng thời có giải pháp tăng cường giải ngân các gói tín dụng cho bất động sản…
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2014, một số giải pháp về thuế giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, cũng đã được đưa ra thảo luận.
Nguyên Đức