Chỉ đạo đã chính thức được đưa ra từ ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, đó là các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề cương chi tiết Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt của TP.HCM. Theo kế hoạch, Khu kinh tế đặc biệt của TP.HCM sẽ được xây dựng trên địa bàn của 4 quận, huyện gồm quận 7, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ, nhằm tạo động lực, bước đột phá trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của Thành phố.
Chưa có thông tin chi tiết về Đề án, bởi trên thực tế, dù kế hoạch này rậm rạp đã lâu, song mới chỉ ở bước sơ khởi và TP.HCM cũng chỉ mới trong giai đoạn chuẩn bị. Mặc dù vậy, đề xuất này của TP.HCM ngay lập tức đã nhận được thông tin trái chiều của giới chuyên gia.
Vân Phong là một trong 3 địa điểm được dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế. Ảnh: Thái Bình |
Nhắc tới những trao đổi của giới chuyên gia về chuyện thành lập đặc khu ở TP.HCM, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện có hai luồng quan điểm về vấn đề này. “TS. Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng phải làm đặc khu, bởi đây là mô hình đã được thực hiện rộng rãi trên thế giới, như Trung Quốc, Mỹ và đã thành công, còn TS. Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) thì cho rằng, mô hình này đã không còn thích hợp nữa”, TS. Lưu Bích Hồ chia sẻ.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm cá nhân mình, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, việc thành lập các đặc khu kinh tế là cần thiết để thúc đẩy đất nước phát triển. “Không phải là không còn giá trị, mà vấn đề là tùy thời điểm và điều kiện của từng quốc gia, để phát triển đặc khu kinh tế. Hiện đang có những ý định thành lập một số thành phố khoa học để tạo động lực cho sự sáng tạo và phát triển. TP.HCM có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển một thành phố công nghệ cao như vậy”, ông Lưu Bích Hồ nói và lý giải rằng, việc 3 đặc khu kinh tế đã được Chính phủ chấp thuận về chủ trương nhưng chưa triển khai được là do những e ngại liên quan đến việc thông qua các thể chế đặc biệt cho các đặc khu này.
Tháng 3/2014, Quảng Ninh - với kỳ vọng đẩy nhanh việc thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn - đã tổ chức một hội thảo quốc tế về vấn đề này và ngay lập tức nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước. Vào thời điểm đó, các đề xuất về việc cần có một thể chế đặc biệt, không chỉ là thể chế kinh tế, mà còn là thể chế chính trị, để phát triển các đặc khu kinh tế đã được đặt ra. Song sau hội thảo, hơn 1 năm qua đi, chưa có nhiều động thái tích cực liên quan đến việc thành lập đặc khu kinh tế.
Bởi vậy, khi TP.HCM đề xuất việc thành lập đặc khu, câu hỏi đặt ra là “nên hay không”, “nữa hay đừng” khi mà khả năng triển khai 3 đặc khu nói trên còn chưa được khẳng định?
Trên thực tế, từng có thời điểm không chỉ là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang rốt ráo với xây dựng các đặc khu kinh tế, mà ngay cả Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… cũng đã “nhấp nhổm” ý định này. Hai năm trước đây, một tập đoàn nước ngoài (Livingston - Hoa Kỳ) đã từng tới Việt Nam và không chỉ là tới 1-2, mà là khá nhiều địa phương để đề xuất kế hoạch thành lập các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, sau đó tập đoàn này đã “ra đi không trở lại”.
Mặc dù vậy, khi các địa phương nhấp nhổm với đặc khu kinh tế, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không giấu giếm mối lo ngại về việc “lạm phát đặc khu”.
Tất nhiên, thành lập đặc khu kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nên không thể có chuyện “cứ muốn là được”. Cho tới nay, mới chỉ có 3 đặc khu được Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương, dựa trên sự xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến vị trí địa lý, diện tích đất đai, tiềm năng phát triển và khả năng tạo đột phá về thể chế.
Ba thậm chí cũng được cho là nhiều, do vậy theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần có lộ trình triển khai chứ không phải là triển khai đồng loạt. Vì thế, đặt câu hỏi về việc có nên thành lập đặc khu kinh tế ở TP.HCM nữa hay không khi cả 3 khu kia còn chưa thể triển khai, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, đó là hai câu chuyện không liên quan nhau, nơi nào có điều kiện trước thì làm.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, TP.HCM muốn phát triển đặc khu phải nghiên cứu “bài học kinh nghiệm” của 3 đặc khu kia, tại sao cho đến giờ vẫn trầy trật trong triển khai?
“Điều tôi cũng băn khoăn là nếu TP.HCM chỉ thành lập đặc khu với quy mô nhỏ như thế thì ưu tiên là gì? Thể chế ở TP.HCM đã cao rồi, vậy thì tới đây, thể chế đặc biệt đối với đặc khu này sẽ như thế nào?”, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi và bày tỏ quan điểm cá nhân rằng, thay vì thành lập đặc khu riêng của TP.HCM thì nên đặt vấn đề thành lập “vùng TP.HCM”, với sự tham gia của Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, và với các đề xuất về thể chế vượt trội.
“Khi mà đẳng cấp đặc khu cao hơn thì cũng dễ dàng chọn lựa các ưu tiên phát triển hơn. Cả 4 tỉnh này đang có điều kiện, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, nguồn lực kinh tế, để liên kết hình thành một vùng động lực phát triển bứt phá”, ông Thiên nói và lý giải, khi tạo thành vùng phát triển như vậy, sẽ không còn cạnh tranh về cảng quốc tế như lâu nay, hay tới đây là những tranh cãi liên quan đến việc xây dựng sân bay Long Thành…
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm trái ngược, GS-TSKH Nguyễn Mại đặt câu hỏi về việc có cần thiết để thành lập các đặc khu hay không? “Dubai đã phải lấn biển để phát triển khu kinh tế tự do, ở Việt Nam thì đâu phải thiếu các động lực cho sự phát triển để phải làm như thế”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và khẳng định rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là tất cả những nhân tố bên trong và bên ngoài để tạo động lực cho sự phát triển, như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, hội nhập quốc tế, còn chưa được khai thác hết. Hơn nữa, dù có chấp thuận thí điểm thì cũng không dễ dàng triển khai trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Ngay như Dubai, hàng trăm tỷ USD đã được bỏ vào đấy để đưa thành phố này phát triển mạnh mẽ như hôm nay.
“Tìm kiếm các ý tưởng, định hướng phát triển mới trong quá trình hội nhập là rất cần, nhưng cũng cần khai thác các nhân tố hiện có để thúc đẩy đất nước phát triển”, ông Mại nói và cũng đề xuất một việc có thể làm được ngay đó là khuyến khích khởi nghiệp, cải cách hành chính để tạo động lực cho nền kinh tế.
Hiện tại, theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Chính phủ về việc có nên mở rộng chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế, bao gồm cả đặc khu ở TP.HCM hay không. Dù Chính phủ có thông qua hay không, thì một điều rõ ràng, còn rất nhiều việc phải làm để chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế được triển khai trong thực tế.
Trong lúc chờ đợi thì như GS-TSKH Nguyễn Mại đã nói, hãy biết tận dụng những lợi thế, những động lực tăng trưởng chưa khai thác hết trong hiện tại để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.