Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trước tòa |
Sáng 9/1, phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại PVC bước sang ngày làm việc thứ hai.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã có lời khai đầu tiên tại tòa.
Với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo Thanh cho biết nhiệm vụ của bị cáo là lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện, triển khai các hoạt động kinh doanh hàng năm thông qua các kế hoạch đã được phê duyệt.
Về tình hình của PVC, năm 2009, PVC niêm yết, là công ty đại chúng. Năm 2011, PVC vẫn có lãi cụ thể bao nhiêu bị cáo không nhớ nhưng lúc đó đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Cũng tại thời điểm đó, PVC đã đầu tư vào các đơn vị khác vượt vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng.
Hiện trạng của PVC là do thực hiện tái cơ cấu, PVC nhận một số dự án thua lỗ của tổng công ty khác dẫn đến cộng dồn vốn.
Ở bối cảnh PVC gặp khó khăn về tài chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ định PVC làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thanh cho biết lãnh đạo PVC rất mừng mặc dù bị cáo biết năng lực PVC chưa đạt. Nhưng tại thời điểm đó cả nước chỉ có PVC và Lilama có đủ năng lực thi công. Dựa vào những kết quả đấy, "anh" Đinh La Thăng muốn đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo Luật Đấu thầu, dù là PVC hay liên danh nhà thầu thì PVC là đơn vị thuê các chuyên gia nước ngoài để làm.
“Một đơn vị xây lắp nhận được dự án là điều rất tốt. Càng khó khăn, càng có công việc là điều mừng ạ. Các công trình Tập đoàn giao cho PVC làm rất thuận lợn, có kế hoạch rõ ràng mới triển khai. Thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Bị cáo nghĩ PVC sẽ vượt qua”, bị cáo Thanh trình bày.
Về quá trình chuẩn bị, triển khai, thực hiện hợp đồng 33, bị cáo Thanh khai nhận, theo phân cấp, Hội đồng quản trị giao cho ban Tổng giám đốc chuẩn bị các thủ tục để ký hợp đồng.
Trước yêu cầu phải khởi công dự án vài quý I/2011, ban Tổng giám đốc báo cáo thời gian quá ngắn, hồ sơ đề xuất không kịp. Tuy nhiên, trong các phiên họp, Tập đoàn quyết định phải khởi công đúng kế hoạch. Những khâu chưa chuẩn bị có thể cho nợ.
Với hợp đồng 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận có khuyết điểm. Trách nhiệm của bị cáo là không đọc kỹ hợp đồng, không phát hiện những nội dung thiếu sót như thiếu phụ lục… bởi lẽ bị cáo quan tâm 2 vấn đề chính là tiền và tiến độ. Tuy nhiên bị cáo cũng cho rằng, nội dung có thiếu sót nhưng Tập đoàn sẽ cho PVC hoàn thiện sau.
Đề cập đến vấn đề chi tiền tạm ứng không đúng mục đích, bị cáo Thanh khẳng định toàn bộ phần chi tiêu thuộc thẩm quyền của ban tài chính. Kế toán trưởng phải chi tiêu đúng luật.
Theo bị cáo Thanh, các công văn đề nghị tạm ứng tiền không cần thông qua Hội đồng quản trị mà thuộc thẩm quyền của Ban Tài chính. Việc chi tiêu tiền tạm ứng cũng thuộc thẩm quyền của Ban tài chính, kế toán trưởng chi tiêu đúng luật, không phải báo cáo với Hội đồng quản trị.
Sau này khi Tập đoàn yêu cầu báo cáo bị cáo mới phát hiện ra.
Bị cáo Thanh cũng cho rằng, việc góp vốn vào Công ty cổ phần thiết bị nội ngoại thất Dầu khí - PVC Metal, CTCP Xây lắp Nghệ An - PVNC, CTCP phát triển đầu tư đô thị dầu khí - PVC - Mekong, Công ty Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVCLand là chủ trương theo nghị quyết Hội đồng quản trị. Việc góp vốn bắt buộc phải có Nghị quyết của Hội đồng quản trị và trong Nghị quyết do bị cáo ký ban hành đều ghi rõ góp vốn bằng tiền vay hoặc tiền tự có theo đúng quy định pháp luật.
“Các khoản chi dùng tiền sai nguyên tắc là trách nhiệm của kế toán trưởng”, bị cáo Thanh nói.
Trong khi đó, cựu Kế toán trưởng PVC Phạm Tiến Đạt khai nhận, việc góp vốn vào các đơn vị được Hội đồng quản trị phê duyệt trước khi bị cáo nhận nhiệm vụ. Thời điểm đó, không có bất kỳ nguồn vốn nào khác và Hội đồng quản trị quyết định phải chiếm dụng nguồn vốn khác.
Sau khi hoạt động đầu tư xong, bị cáo đã báo cáo là không được nhưng các anh không có ý kiến gì.
Theo cựu Kế toán trưởng, nguyên tắc là dòng tiền nào sử dụng đúng dự án đó.