Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN trả lời Hội đồng xét xử tại phần kiểm tra căn cước. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Bản cáo trạng truy tố 22 bị can theo hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Theo đó, ngày 24/10/2007, Bộ Công thương có quyết định phê duyệt Tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình 2 gồm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và 2. PVN được giao làm đầu mối đầu tư. Sau đó, PVN đã có quyết định giao cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đơn vị do PVN sở hữu 100% vốn, làm chủ đầu tư.
Quá trình thực hiện, dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu nhưng ngày 18/6/2010, bị cáo Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết số 5392 chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Khi đó, PVC đang trong tình trạng mất cân đối dòng tiền đầu tư. Từ 2008 - 2012, PVC do bị cáo Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT, bị cáo Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc đã thi công 67 công trình. Công ty mẹ - PVC thi công trực tiếp 20 công trình, nhưng chỉ có 8 công trình cân đối được dòng tiền, 12 công trình mất cân đối do chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.
PVC cũng đầu tư tài chính vượt vốn điều lệ. Đến năm 2011, PVC góp vốn đầu tư cũ và mới vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư là 3.460 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 2.500 tỷ đồng, làm mất cân đối dòng tiền. Từ năm 2011, PVC phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư sau thuế tại thời điểm quý 3/2010 là hơn 31.500 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2010, PVN quyết định thay đổi công nghệ nên phải hiệu chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, hiệu chỉnh dự án... Tháng 2/2011, PVPower và PVC đã ký hợp đồng EPC khi các thủ tục chưa thực hiện đầy đủ. Do chưa có dự toán của dự án nên hợp đồng có giá trị tạm tính là 1,2 tỷ USD.
Do mất cân đối dòng tiền và để có nguồn tiền sử dụng, ngay sau khi ký hợp đồng, PVC đã đề nghị PVPower tạm ứng 72 triệu USD. Khi đó, PVPower không có vốn nên phải đề nghị PVN cấp vốn bổ sung.
Thủ tục cấp vốn bổ sung mất nhiêu thời gian nên PVN làm thủ tục để PVN làm chủ đầu tư PVPower. Tiếp đó, PVN đã tiến hành tạm ứng cho PVC tổng số tiền là 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, việc tạm ứng tiền này trái với các quy định hướng dẫn về quản lý chi phí xây dựng công trình, các quy định về xây dựng, điều lệ tổ chức hoạt động của PVN.
Phần lớn số tiền tạm ứng này bị sử dụng sai mục đích (1.115 tỷ đồng). Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã có công văn yêu cầu PVC hoàn trả số tiền sử dụng sai mục đích trước ngày 31/3/2012 và đến ngày 22/11/2017 mới thu hồi được 1.087 tỷ đồng.
Qua giám định kết luận, các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nêu trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Trong đó, việc PVC sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích gây thiệt hại hơn 68 tỷ đồng, việc tạm ứng theo hợp đồng EPC gây thiệt hại hơn 51 tỷ đồng.