Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương chiều ngày 4/6 |
“Đối với những thông tin mà đại biểu đề cập, Bộ Công thương đã và đang chỉ đạo đơn vị có liên quan xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định. Chúng tôi cam kết là không bao che và không giảm nhẹ trách nhiệm của những đối tượng vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời trước Quốc hội.
Làm rõ thêm phần trả lời này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, thời gian quan, Bộ Công thương đã giải quyết thủ tục hành chính, xác nhận ưu đãi đúng theo các quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ đã đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật.
“Chúng tôi rất quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và từng bước xây dựng bộ máy hoạt động liêm chính và hiệu quả, phục vụ người dân”, Bộ trưởng cam kết.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc đến việc triển khai các chính sách ưu đãi cũng còn rất nhiều hạn chế khi trả lời câu hỏi về cơ chế khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí. Nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, nguồn lực đầu tư của nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, quy định chồng chéo với nhau. Một số điều kiện để được ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp, khiến cho các doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu của chính sách, nên khó tiếp cận.
Ông cũng nhắc đến tình trạng doanh nghiệp Việt chưa quan tâm và cũng chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
“Thực ra, để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, cần rất nhiều tiền và cũng cần phải có trình độ công nghệ, kinh nghiệm nhất định. Trong khi đó, việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách ưu đãi với cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, chưa phạm vi rộng. Việc phối hợp thực hiện chính sách giữa Trung ương, địa phương chưa thật hiệu quả”, Bộ trưởng thẳng thắn trả lời trước Quốc hội.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhắc đến những kết quả đáng kể trong phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%..
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn |
Trước đó, trong phần trả lời các đại biểu Quốc hội về những chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính, Bộ trưởng thông tin, Bộ Công thương đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông nói, Bộ thường xuyên rà soát và cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bộ Công thương đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở cấp độ 4, các quy trình thủ tục thì đã được tự động hóa, cắt giảm tối đa để giảm thời gian xử lý.
“Riêng năm 2023, Bộ đã xử lý hơn 10.000 hồ sơ trong lĩnh vực thương mại điện tử, nếu không áp dụng về công nghệ thì không thể thực hiện được”, Bộ trưởng trả lời.
Chính vì vậy, trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) phản ánh về một số trường hợp thủ tục chậm trễ, Bộ trưởng cho biết, khả năng việc chậm trễ liên quan đến hai nhóm.
Thứ nhất là trường hợp doanh nghiệp thuộc diện chi phối thị trường thì cần phải lấy ý kiến của một số bộ, ngành, trong đó đặc biệt lấy ý kiến Bộ Công an. Nhóm thứ hai là trường hợp kinh doanh hàng hóa có điều kiện, cũng phải lấy ý kiến rất nhiều ngành.
“Tất cả trường hợp khác thì không thể nói là Bộ Công thương chậm trễ trong giải quyết thủ tục”, Bộ trưởng cam kết.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cùng với đó, Bộ trưởng nhắc đến giải pháp tăng cường giám sát, thống kê và giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm chất lượng và thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định.
Tiếp theo là hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước như là Tổng cục Thuế, các cơ quanliên quan khác để phục vụ việc khai thác thông tin và xử lý nhanh vụ việc nếu mà xảy ra.