Chính phủ nhiệm kỳ mới đã đi vào hoạt động được 3 tháng. Ông có nhận xét gì về Chính phủ nhiệm kỳ mới?
Tôi cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ mới đang trong giai đoạn khởi động, nhưng đã thể hiện tinh thần rất quyết tâm, quyết liệt theo tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, giống với bản chất của một chính phủ vì dân. Chính phủ bắt đầu thể hiện tinh thần đổi mới tích cực, có sự rà soát hệ thống chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội...
Mới 3 tháng nên cũng chưa có thể đánh giá toàn diện, nhưng bước đầu có thể thấy sự quyết tâm là cao. Ba tháng qua, cũng có nhiều việc đã làm được như điều tra nguyên nhân vụ gây ô nhiễm môi trường ở miền Trung.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. |
Theo ông, sự khác biệt của Chính phủ mới được kiện toàn với Chính phủ nhiệm kỳ trước ở những điểm nào?
Sự khác biệt tôi phải nói rằng là trẻ hơn, học hành bài bản, năng lực chuyên môn, trình độ, bằng cấp, ngoại ngữ khá hơn.
Những gì họ thể hiện mấy tháng vừa qua có xứng đáng với trình độ và sức trẻ không?
Tôi nghĩ nhiều tư lệnh ngành đã thể hiện tinh thần, sức trẻ của mình. Bởi vì một là có chuyên môn, có năng lực và thực tế trong điều hành người ta cũng có sáng tạo, quyết tâm hơn. Tôi nghĩ cái này chưa đủ thời gian để chúng ta đánh giá là tư lệnh ngành nào hơn, tư lệnh ngành nào chưa phát huy được, nhưng có thể nhìn tổng thể chung các gương mặt của các tư lệnh các ngành chúng ta có thể tin tưởng được.
Ông có nhận xét gì về cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong ba tháng qua ?
Trong thời gian qua, Thủ tướng rất quyết liệt, rất bám cơ sở, lắng nghe các doanh nghiệp và người dân, nên trong tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu các bộ, ngành không được chậm trễ vấn đề ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Và thứ hai, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật mà gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, người dân là phải tháo gỡ. Đây chính là quyết tâm. Tôi cho rằng, đất nước chúng ta vấn đề thể chế rất quan trọng, nếu chúng ta giải mã được các ách tắc về thể chế thì đây chính là cơ hội để phát triển vươn lên.
Nhìn về Chính phủ nhiệm kỳ trước, báo chí đề cập xem lại vai trò của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Với Chính phủ mới, Quốc hội sẽ giám sát như thế nào để không có việc xảy ra như thế?
Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của cả Quốc hội khóa XIII. Suốt một thời kỳ dài chúng ta giám sát, theo dõi tại sao vấn đề đó không phát hiện ra?
Nếu vấn đề đó chúng ta phát hiện được, xử lý ngay thì nó sẽ không xảy ra các tình trạng như vậy. Nhưng chúng ta phải có niềm tin quan điểm của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ là chúng ta xử lý tất cả các trường hợp sai phạm không có vùng cấm. Có nghĩa là ai vi phạm thì phải xử lý, kể cả về hưu. Đó là công bằng với công dân.
Tuy nhiên, đây là bài học, cả một nhiệm kỳ Quốc hội mà chúng ta để ra một tư lệnh ngành mà chúng ta không giám sát, theo dõi, nhắc nhở và để xảy ra tình trạng đó. Đó là bài học cho Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.
Vấn đề chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội là quyết định pháp luật, làm luật, quyết định các các vấn đề quan trọng, nhưng giám sát rất quan trọng. Tôi cho rằng, nhà nước kiến tạo là nhà nước phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và thẳng thắn với nhau, không nên để tồn tại nhỏ có bé xé ra to. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt, làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, kiểm soát không tốt thì ảnh hưởng.
Qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh có thể nói công tác giám sát các doanh nghiệp nhà nước vẫn “có vấn đề”, nhất là liên quan đến nhân sự chủ chốt ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một ý rất quyết liệt, quyết tâm là giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giảm bớt thanh tra, kiểm tra, nhưng không có nghĩa giảm là không thanh, kiểm tra.
Nhưng thanh, kiểm tra là tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, không nên thanh, kiểm tra trở thành áp lực là không đúng. Thanh tra là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ không phải cứ thanh tra là xử lý, kỷ luật.
Liên quan câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, rõ ràng ông Thanh không phải là cán bộ bình thường, mà là Phó chủ tịch tỉnh nhưng cấp quản lý cán bộ không phải là cấp tỉnh? Trong quá trình sai sót dài như thế mà ông Thanh vẫn lọt qua ba vòng hiệp thương để ứng cử Đại biểu Quốc hội. Vậy lỗ hổng trong công tác quản lý cán bộ như thế nào, thưa ông?
Tôi nói rồi, cán bộ mà không phát hiện ra vi phạm, thì lỗ hổng từ cơ sở, từ người quản lý.
Quy trình cán bộ của chúng ta là làm từ cơ sở, mặt trận cũng từ cơ sở, đoàn thể, tổ chức xã hội là từ cơ sở. Giờ nếu chúng ta mang lỗi này nói là do Hội đồng bầu cử Quốc gia thì không phải. Hội đồng không đủ điều kiện, khả năng để xem xét từng trường hợp một mà vấn đề này ở dưới cơ sở.
Khi anh xem xét, giới thiệu cán bộ, lấy ý kiến cư trú không ai nói, lấy tín nhiệm nơi công tác có ai nói đâu, nhưng vấn đề là người đứng đầu các tổ chức ở cơ sở như thế nào? Chúng ta không nên nói lỗi này đẩy ngược lên mà phải xử lý theo thẩm quyền. Dưới cơ sở có đề cập tới sai phạm đó không. Nếu đề cập mà cấp trên không xem xét thì sai tiếp của người cấp trên.