Đại biểu Nguyễn Văn Được (Đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) cho rằng, hiện Hội Cựu chiến binh đang tiến hành trợ giúp pháp lý cho Hội viên rất tích cực và hiệu quả. Nhưng nếu theo Dự thảo Dự án Luật trợ giúp pháp lý thì có thể hạn chế hoạt động này của Hội Cựu chiến binh.
Theo ông Được, với việc có rất nhiều người, nhiều đối tượng cần trợ giúp pháp lý thì nhà nước chỉ cần quản lý hoạt động này còn việc thực hiện cần huy động nguồn lực xã hội. Dự thảo cũng nên quy định chi tiết hơn đối tượng được trợ giúp.
"Cần phân biệt rõ đối tượng nào là người có hoàn cảnh khó khăn? Ví dụ như người có công cách mạng, người dân tộc thiểu số không nhất thiết phải quy định phải có hoàn cảnh khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý. Cần quy định rõ đối tượng được trợ giúp pháp lý là Cựu chiến binh vì theo các Luật hiện hành đều đang quy định Cựu chiến binh là người có công với cách mạng, nên sẽ được hưởng trợ giúp pháp lý mới đúng", Đại biểu Nguyễn Văn Được đề xuất.
Thảo luận tổ tại đoàn Hà Nội cho ý kiến đối với Dự án Luật Trợ giúp pháp lý chiều ngày 27/10. |
Đồng tình với quan điểm cần mở rộng nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đặt vấn đề tại sao không đưa người bị nhiễm chất độc da cam, mắc bệnh hiểm nghèo…Đây cũng là nhóm đối tượng cần được trợ giúp pháp lý.
Đại biểu Lại Xuân Môn (Đoàn Hải Dương, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam) cũng đề nghị bổ sung nông dân vào đối tượng trợ giúp pháp lý vì đa phần nông dân là người nghèo, hơn nữa với người có điều kiện tài chính thì họ cũng không cần nhận sự trợ giúp pháp lý mà đi thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Vì thế, bổ sung nông dân vào đối tượng cần trợ giúp pháp lý hằng năm ngân sách cũng không mất nhiều tiền.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cũng bày tỏ sự đồng ý mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội thể hiện tính ưu việt của xã hội, nhất là người có công với cách mạng vì nhờ họ chúng ta có xã hội như ngày nay. Đối với hộ nghèo, hiện có trên 2,8 triệu hộ cũng nên trợ giúp pháp lý.
"Đề nghị mở rộng thêm hộ cận nghèo vì đối tượng này dễ dàng rơi vào nghèo, ta hỗ trợ họ cũng là nhằm xoá nghèo bền vững. Cả nước có khoảng 1,5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đặc biệt khó khăn nên cũng nên trợ giúp cho cả đối tượng này", ông Bình đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) đề nghị bổ sung thêm đối tượng trẻ em đều được trợ giúp pháp lý đề phù hợp với các pháp luật hiện hành như Luật bảo về trẻ em không phân biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hay không khó khăn đều được bảo vệ. Hay theo Luật Phòng chống mua bán người thì tất cả nạn nhân mua bán người đều được bảo vệ, hỗ trợ hay Luật người khuyết tật cũng thể hiện quan điểm bảo vệ tất cả mọi người khuyết tật không phân biệt. Trong khi đó. Dự thảo luật này quy định trợ giúp pháp lý chỉ căn cứ vào tình hình kinh tế, tài chính của đổi tượng. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định liên quan đến tài chính để các nhóm đối tượng được tiếp cận với sự hỗ trợ vế pháp lý.
Đối với vấn đề lo ngại của các nhà làm luật không đủ kinh phí, bà Thu Hà cho rằng, hiện vai trò của rất nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia vào trợ giúp pháp lý, cần phải xã hội hoá, kêu gọi nguồn lực để thực hiện việc này chứ không nhất thiết coi đây là trách nhiệm của nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Nếu xã hội hoá vừa bảo đảm được nguồn nhân lực.
"Có 52% luật sư trợ giúp pháp lý được mặt trận tổ quốc mời bảo vệ pháp luật cho đối tượng, trong đó hơn 50% số luật sư không nhận thù lao làm việc tức là họ hoàn toàn tự nguyện vì vậy cần phải pháp huy lực lượng này trợ giúp pháp lý cho các đối tượng cần được trợ giúp", bà Hà cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, vừa cần mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý cũng vừa cần đẩy mạnh xã hội hóa trợ giúp pháp lý. Các hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Doanh nhân..thực hiện tốt vai trò hỗ trợ pháp lý của mình. Nhà nước nên quản lý về mặt thủ tục, hành chính, quy định còn việc thực hiện nên xã hội hóa hoạt động này.