Chính phủ đang trình Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, phát biểu tại các phiên thảo luận hay chia sẻ bên hành lang Quốc hội những ngày qua, nhiều đại biểu cho rằng nên mở rộng chính sách giảm thuế này với tất cả hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Giảm thuế đồng bộ để khắc phục các hạn chế trong triển khai chính sách
Việc giảm 2% thuế VAT giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc giảm VAT đồng loạt 2% cũng tạo nhiều thuận lợi hơn so với chính sách giảm thuế VAT chỉ cho một số ngành nghề từng áp dụng năm 2022. Năm ngoái, việc chỉ giảm thuế với một số mặt hàng khiến doanh nghiệp kê khai, nộp thuế rất phức tạp. Các doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan rơi vào trạng thái lo ngại nếu xác định không đúng mặt hàng được giảm sẽ tạo nguy cơ bị xử phạt, kỷ luật sau này. Ngoài ra, nền kinh tế là một thực thể liên hoàn, ngành được giảm ngành không được sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh tế, tạo ra cách phân biệt đối xử trước những khó khăn chung của doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng ghi nhận có ý kiến của các đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn.
Nới lỏng tài khoá, góp phần giải quyết an sinh xã hội
Chia sẻ bên hành lang QH ngày 24/5, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM, đồng tình với đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ. Ông cho rằng, hiện nay chỉ có chính sách tài khóa mở rộng mới có thể giúp cho nền kinh tế thoát khỏi đà suy thoái.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM |
"Chúng ta có dư địa để làm điều đó. Bởi trong nhiều năm qua, việc thu thuế của doanh nghiệp, thu thuế thu nhập cá nhân… đã làm tổng thu ngân sách tăng, góp phần giảm bội chi, giảm nợ công. Trong tình hình khó khăn hiện nay, chúng ta nên nới lỏng chính sách tài khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội, công ăn việc làm", ông Ngân nói.
Cũng theo ông Ngân, nên áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Bởi các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối với nhau. Thị trường tài chính là một thị trường quan trọng góp phần giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp. "Cái gì làm dễ, thuận lợi thì nên giảm hết cho đại trà, thậm chí còn có thể kéo giảm thuế VAT sâu hơn", ông Ngân nhấn mạnh.
Đồng thuận với việc giảm thuế giá trị gia tăng, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Vì vậy, việc giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ DN là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.
Giảm thuế đồng bộ để tạo động lực mới cho nền kinh tế
"Cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam nói. Theo ông, mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
ĐB Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phân tích: “Đã là khó khăn là khó khăn chung, nếu chi li ra thì có những ngành khó khăn nhiều có những ngành khó khăn ít và có những DN khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên, đại đa số là khó khăn cho nên việc mở rộng các loại hình ngành nghề lĩnh vực để cùng giảm thuế 2% là cần thiết để cũng thể hiện là chính sách của chúng ta công bằng”.
Tại phiên thảo luận tại Tổ 1 sáng ngày 25/5 về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ĐB Lê Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn, từ đó mới có thể tạo công ăn việc làm và “giữ chân” được lao động.
Ở góc độ người tiêu dùng, ĐBQH Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, việc giảm thuế VAT sẽ tạo thành một động lực, một cú hích cho tiêu dùng của người dân. “Nếu mà giảm được, thì mặt hàng nào đã 10% thì giảm xuống 8%, chúng ta không nên phân biệt ra, loại trừ một số mặt hàng này nọ kia. Như vậy sẽ có tính đồng bộ, tạo ra tính toàn diện trong chính sách tài khóa”.