Theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ), Kế hoạch tài chính trung hạn mới chỉ đề cập đến ngân sách nhà nước và vay trả nợ là chưa đầy đủ, phải bổ dung thêm quỹ tài chính nhà nước quan trọng như bảo hiểm xã hội, quỹ tích lũy trả nợ vì nếu để xảy ra mất cân đối 2 quỹ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vay, trả nợ của ngân sách nhà nước.
"Thu giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 1,65 lần giai đoạn trước, nhưng kế hoạch thu khá chông chênh vì dư địa tăng thu không còn nhiều vì dự kiến đến năm 2019 mới tiến hành sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế và đến năm 2020 mới trình Quốc hội ban hành luật thuế tài sản. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh sửa các luật thuế, sớm ban hành Luật thuế tài sản vì hiện nay có quá nhiều ưu đãi không phát huy được hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu mà theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế là đua nhau ưu đãi", Đai biểu Hoàng Quang Hàm nói.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho kế hoạch tài chính trung hạn. |
Theo vị đại biểu này, trong điều kiện nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn vì vậy phải cân nhắc một số chỉ tiêu trước khi đi vay, có thể dừng vay một số khoản và cơ cấu lại nợ vay. Vì thực tế cho thấy nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn đi vay hiệu quả thấp, thậm chí còn lãng phí, thất thoát. Đại biểu này cũng lưu ý, bảo lãnh chính phủ trong giai đoạn này là 610.000 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn trước là 615.486 tỷ đồng, vì nhiều dự án lớn được bảo lãnh sử dụng không hiệu quả, gây áp lực lên nợ công.
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cũng đề nghị Chính phủ thắt chặt chi tiêu, truy thu thuế nợ đọng, đưa ra phương án thu hồi vốn ứng trước, giảm bội chi, khơi thông ngân sách nhà nước.
"Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nguyên nhân của nợ công và áp lực nợ hiện nay, khả năng, giải pháp khắc phục để Quốc hội và nhân dân an tâm vì dân gian có câu “Thứ nhất nhà giột thứ hai nợ đòi”. Càng làm rõ nguyên nhân càng có giải pháp khắc phục trong thời gian tới", vị đại biểu này phát hiểu.
Còn đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) đã dẫn các số liệu như bội chi ngân sách 254.000 tỷ đồng, nợ công 64,98% GDP, nợ Chính phủ 53,5% GDP...và cho rằng nếu GDP năm 2016 không đạt thì các chỉ tiêu này sẽ cao hơn nghĩa vụ chi trả gốc và lãi cao hơn.
"Việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa thực sự đạt hiệu quả cao thể hiện qua các dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay, kéo dài thời gian nghĩa vụ trả nợ. Trong giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn vay rất lớn, nhưng nếu cứ làm như thời gian vừa qua tức là vẫn giàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hậu quả không chỉ dừng lại ở độ rủi ro của hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà góp phần gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Đề nghị Chính phủ phải có chiến lược nợ rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để bảo đảm trả nợ, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong tiết kiệm chi thường xuyên. Cơ chế phân bổ vốn phải thực sự minh bạch, cơ chế giám sát phải thực sự chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí trong kế hoạch tài chính trung hạn", Đại biểu này góp ý.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn TP.HCM) phân tích, tổng thu với GDP dự kiến 2016-2020 khoảng 6,5-7%, nếu chi đầu tư phát triển 25-26%, chi thường xuyên, trả nợ và viện trợ 72% tổng chi thì đây là sự chuyển dịch cơ cấu chi rất tích cực trong giai đoạn tới. Thu ngân sách giai đoạn tới sẽ khó khăn vì giá dầu thô rất khó tăng trở lại khi OPEC cắt giảm, nhưng nhu cầu không tăng so với cung.
"Muốn giảm bội chi thì phải tăng thu, giảm chi. Chúng ta đang phụ thuộc vào tài nguyên, xuất nhập khẩu nhưng tình hình đang khó khăn nên đè nặng lên thu nội địa và cũng rất khó tăng thu ở nội địa vì vậy giải pháp là giảm chi", ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, nguồn thu ngân sách "trông chờ" vào cổ phần hoá, vay trong và ngoài nước, vốn FDO, ODA và nguồn lực trong xã hội. Đặc biệt là nguồn lực của xã hội vô cùng lớn nhưng chưa được khai thác hêt nên phải khai thác mới bền vững chứ không nên quá trông chờ vào FDI để phải trả giá về xử lý môi trường, ODA cung giảm còn vay ưu đãi cũng dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
"Dù cần nguồn thu lớn nhưng không được tận thu mà phải nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng đối tượng thu, khai thác tối đa. Ví dụ như nhà trong hẻm được mở đường tự nhiên ra mặt tiền thu được rất nhiều tiền thì phải có trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách nhà nước", ông Quốc đề nghị.
Đại biểu Quốc cũng khuyến nghị, bên cạnh hỗ trợ khởi nghiệp, cần khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, có tầm cỡ quốc gia và khu vực để mang lại nguồn thu lớn, dẫn dắt khối doanh nghiệp phát triển. Trong vay vốn ODA, cần tỉnh táo để tránh bẫy nợ nần, thu hút FDI phải theo định hướng chứ không thu hút tràn làn, để lại hậu quả môi trường rồi lại phải đi giải quyết.
Đại biểu Lưu Đức Long (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng bày tỏ sự lo kắng khi những nguồn thu của các địa phương đang chịu tác động từ các dự án FDI. Khi tình hình thế giới biến động, bất lợi, nguồn thu các dự án FDI này giảm mạnh. Ví dụ như Vĩnh Phúc hút nguồn thu từ Honda và Toyota nên phải chuyển hướng tập trung vào đất đai, phát huy lợi thế vùng miền, du lịch. Nhưng tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì hiệu quả không cao, có nơi đầu tư cho nông dân, nông thôn chỉ bằng 1% tổng thu.
"Thu của Vĩnh phúc trong các năm tới chắc chắn gặp khó khăn, trong khi chi không giảm mà lại giảm phần Trung ương để lại cho Vĩnh Phúc (vì là tỉnh điều tiết về TƯ tỷ lệ điều tiết để lại là 53% giảm 7% so với giai đoan trước 2.000 tỷ đồng). Vĩnh Phúc và 12 địa phương khác có điều tiết về TƯ, có nghĩa vụ hỗ trợ TƯ vì vậy phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu đồng thời tìm cách tăng thu từ các khoản khác, không quá trông chờ vào FDI", vị đại biểu này cho biết.