“Nếu Chính phủ không kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư ồ ạt theo phong trào thì đất nước dẫn đến vỡ nợ”, Đại biểu tỉnh Thái Bình Cao Sỹ Kiêm mở đầu phiên thảo luận bằng việc dẫn chứng phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào ngày hôm qua khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội nâm 2013.
| ||
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước TS. Cao Sỹ Kiêm |
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, ngân sách quốc gia không chỉ vỡ nợ bởi đầu tư tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí, mà còn bị vỡ nợ do chi tiêu thường xuyên năm nào cũng “vung tay quá trán” (chi vượt dự toán).
“Các đại biểu Quốc hội phải bày tỏ rõ quan điểm về vấn đề này, nếu không nguy cơ mất an ninh tài chính quốc gia sẽ trở thành hiện thực như cảnh báo của Tổng tư lệnh lĩnh vực kinh tế Bùi Quang Vinh”, ông Kiêm nhấn mạnh.
“Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là người bộc trực, thẳng thắn, vì vậy, ông phát biểu rất thẳng thắn trước thực trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước dẫn đến gánh nặng nợ quốc gia và mất an toàn tài chính, gia tăng bội chi”, Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hiến tiếp lời.
Ông Hiến nói ông chấp nhận mức bội chi năm 2013 và 2014 là 5,3% GDP để Chính phủ có thêm mấy chục ngàn tỷ đồng giải quyết các vấn đề cấp bách. “Nhưng nếu không có giải pháp hữu hiệu, đủ mạnh để khắc phục tình trạng như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thì chỉ vài ông “vina” phá là hết số tiền bội chi của năm tới”.
“Tỉnh Điện Biên có nửa triệu dân, năm nay thu ngân sách chỉ vào khoảng 250 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Cạn cũng cỡ nửa triệu dân, năm nay “vật vã” mới thu được chưa đến 300 tỷ đồng, vậy mà, lãnh đạo Vinalines mua thiết bị kê khống giá gấp hàng chục lần để chia chác hàng trăm tỷ đồng thì quả là quá đau sót cho ngân khố quốc gia”, ông Hiến ngậm ngùi.
Năm 2013, thu ngân sách không đạt, trong khi chi ngân sách lại vượt 1,3% cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2013, chi ngân sách được điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán… rà soát và cắt giảm tối đa các khoản chi và bố trí dự toán chưa triển khai hoặc phân bổ sai mục đích, mục tiêu, đối tượng, các chương trình, dự án và nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, bức xúc nên đã tiết kiệm được khoảng 22.700 tỷ đồng.
Nhìn vào con số tiết kiệm chi 22.700 tỷ đồng, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Chi tiêu, đăc biệt là chi thường xuyên đã thực sự tiết kiệm chưa?”.
Theo ông Phong, chi ngân sách chưa thực sự tiết kiệm, bởi bởi ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển không tăng, thậm chí liên tục giảm nếu trừ đi lạm phát thì chi thường xuyên lại liên tục tăng do bộ máy biên chế càng ngày càng phình to và nhiều cơ quan, đơn vị không chấp hành chỉ đạo thắt chặt chi tiêu của Chính phủ.
Ông Cao Sỹ Kiêm bức xúc: “Ngay như năm 2013, Chính phủ yêu cầu thắt chặt chi tiêu, hạn chế hội họp, công tác nước ngoài, khởi công, động thổ…, nhưng đến nay đã tiết kiệm được bao nhiêu số tiền chi có thể nói là lãng phí này. Tôi cho rằng, chưa tiết kiệm được bao nhiêu”, ông Kiêm khẳng định.
Đại diện cho cử tri Thái Bình dẫn chứng, trong nhiều bản tin thời sự thời sự trên đài truyền hình, tin về động thổ, khởi công, khánh thành, hợp long chiếm quá nửa thời gian.
“Tôi mới đi công tác sang Lào, các bạn Lào cho biết, mỗi năm họ tiếp hơn 300 đoàn công tác của Việt Nam, hầu như ngày nào cũng có đoàn Việt Nam sang công tác. Vậy thì làm sao có thể nói là các cấp, các ngành thực hiện yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm công tác, khảo sát, nghiên cứu nước ngoài”.
Theo ông Kiêm, nhiều vấn đề về kinh tế không nên can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính mà phải để cho thị trường quyết định. Nhưng việc thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm trong chi tiêu thường xuyên, chi tiêu trong đầu tư phát triển phải xử dụng mệnh lệnh hành chính với những chế tài đủ mạnh để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu không, ngân sách dẫn đến… vỡ trận như cảnh báo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Đại biểu tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Văn Học nhẩm tính, chỉ riêng việc đầu tư vào Quốc lộ 1A có khoảng 40 dự án, dự án nào cũng phải thực hiện đầy đủ “thủ tục”: động thổ, khởi công, khánh thành, thông xe, hợp long, chi phí tối thiểu cho mỗi thủ tục này 20-30 triệu đồng thì số tiền chi “phí giời ơi đất hỡi” này rất khổng lồ.
“Nếu tính cả tiền chi phí đi lại, vé máy bay, ăn nghỉ của hàng trăm vị khách mời đến dự (chỉ có mỗi việc vỗ tay) động thổ, khởi công, khánh thành, thông xe, hợp long… thì mới thấy sự lãng phí trong chi tiêu ngân sách vô cùng lớn”, ông Học phát biểu và đề nghị Quốc hội chấp thuận mức bội chi của năm 2013 và 2014 là 5,3% GDP, chấp thuận mức phát hành trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 là 170.000 tỷ đồng, nhưng cũng phải đề nghị Chính phủ tiết kiệm chi tiêu hơn nữa trong đầu tư công và chi thường xuyên, nếu không, ngân khố quốc gia sẽ bị… vỡ nợ.
Hàn Tín