“Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP giảm mạnh so với giai đoạn trước do vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thấp; vốn huy động từ khu vực dân cư và tư nhân tăng chậm. Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, nên cần phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua TPCP với tư cách là vốn mồi đầu tư cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu.
| ||
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (Ảnh: Đức Thanh) |
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng nguồn vốn TPCP đầu tư cho các công trình, dự án trong giai đoạn 2011-2015 là 225.000 tỷ đồng, mỗi năm huy động không quá 45.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước sự suy giảm đầu tư toàn xã hội, năm 2013, Quốc hội đã đồng ý nâng mức đầu tư từ nguồn vốn này lên 60.000 tỷ đồng, nhưng trong cả giai đoạn không được vượt quá 225.000 tỷ đồng.
Mặc dù nguồn vốn TPCP đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng năm 2013 đã tăng 150% so với năm 2012, nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP vẫn không có sự cải thiện đáng kể (chỉ tăng từ mức 28,5% GDP năm 2012 lên 29,1% GDP vào năm 2013), buộc Chính phủ phải kiến nghị Quốc hội “phá rào” với đề xuất nâng mức đầu tư từ nguồn này năm 2014 là 100.000 tỷ đồng, khiến tổng mức đầu tư từ nguồn vốn TPCP trong 4 năm (2011-2014) lên mức 250.000 tỷ đồng, vượt 25.000 tỷ đồng so với kế hoạch 5 năm.
“Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn TPCP và nhu cầu đầu tư cấp bách theo đề nghị của các bộ ngành và địa phương, đề nghị Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP trong giai đoạn 2014-2016. Trong đó, không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị.
“Với phương án phát hành bổ sung thêm 170.000 tỷ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói trước Quốc hội.
Thẩm tra phương án phát hành bổ sung vốn TPCP, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đa số ý kiến đồng ý với đề nghị phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 và đồng tình với nhận định “nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép - dưới 65% GDP”.
Mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn cho phép, nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, vì vậy, đại diện cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Hiển lưu ý Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.
Cụ thể, khối lượng huy động TPCP để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn (trên 400.000 tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8-9% GDP) để bù đắp bội chi, đảo nợ, đầu tư nhưng chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn (chiếm tới 80%) nên tần suất trả nợ và mức trả nợ sẽ rất cao.
Huy động TPCP hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền tập trung quá nhiều vào TPCP khiến nguồn vốn đầu tư cho hoạt động ản xuất bị thu hẹp.
“Chính vì vậy, một số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ nên bổ sung khối lượng TPCP phát hành thêm trong giai đoạn 2014-2016 vào khoảng 120.000 tỷ đồng để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác”, ông Hiển cho biết thêm.
Ghi nhận những đề xuất kể trên, nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, số tiền 170.000 tỷ đồng TPCP kiến nghị phát bổ sung trong giai đoạn 2014-2016 trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường huy động vốn đầu tư xã hội, trước hết là tăng cường giải ngân nguồn vốn nước ngoài tại các dự án ODA, huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng.
“Trong khi cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, việc tăng đầu tư từ TPCP là rất cần thiết để tăng nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy sản xuất”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thêm.
Mạnh Bôn