Thời sự
Đại biểu Quốc hội Việt Nam bị cáo buộc “mua” hộ chiếu Cộng hoà Síp nói gì
An Nguyên - 25/08/2020 21:00
Đại biểu Phạm Phú Quốc công nhận việc ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình ông bảo lãnh chứ không phải "mua".
Ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội TP.HCM. 

Theo một tài liệu mật được Hãng tin Al Jazeera (hãng tin của Qatar) mới tung ra thì chương trình hộ chiếu của Cộng hoà Síp (Cyprus), một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” mua hộ chiếu châu Âu.

Trong danh sách này có tên một vị đại biểu Quốc hội của Đoàn TP.HCM là ông Phạm Phú Quốc.

Al Jazeera đã đưa ra một loạt bài viết của nhóm điều tra Al Jareeza dựa trên cái gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Chính sách nói trên của Cộng hoà Síp đã bị các nước châu Âu chỉ trích và đã được sửa đổi vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, những người đã sở hữu hộ chiếu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Tối 24/8, khi tài liệu của  Al Jazeera bắt đầu gây xôn xao dư luận Việt Nam, trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc cho biết, ông chưa nghe tin này và thông tin trên là “không chính xác”.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, trả lời báo Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc công nhận việc ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018. Nhưng ông Phạm Phú Quốc giải thích: “Quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh, thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác”.

Liên quan đến vấn đề quốc tịch, năm 2016 Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội khóa 13, do bà Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam.

Điều này quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) thì Đại biểu Quốc hội chỉ được có một quốc tịch Việt Nam.

Ngày 25/8, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin đại biểu Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu.

Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mới tham gia đại biểu Quốc hội từ khoá 14.

Tin liên quan
Tin khác