Thời sự
Đại biểu và Bộ trưởng tiếp tục trao đổi về việc lựa chọn sách giáo khoa
Nguyễn Lê - 06/06/2023 10:56
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao đổi về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa.
Ảnh minh họa.

Ngày 6/6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã có văn bản gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hồi âm ý kiến của Bộ trưởng sau phát biểu của đại biểu ở hội trường về sách giáo khoa.

Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, sáng 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã cảnh báo, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong chọn sách giáo khoa “rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục”.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản trao đổi lại ý kiến của đại biểu Kim Thúy.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ cùng các nhà xuất bản đã cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thấm định và phát hành sách giáo khoa ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đối mới giáo dục phổ thông.

Tại văn bản này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lần lượt trao đổi từng ý kiến được đại biểu Thúy nêu, trong đó có việc Công ty Phương Nam - một trong những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ chưa đầy 2 năm đã chi gần 100 tỷ đồng để “phát triển thị trường và tập huấn". Đại biểu đặt vấn đề không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung chi này chưa?.

Bộ trưởng cho biết kết quả về doanh thu, lợi nhuận của công ty này đều đã được kiểm toán và được thông qua tại đại hội đồng cổ đông. Các số liệu đều công khai qua báo cáo tài chính.

Ông Sơn dẫn báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chi phí bán hàng của công ty gồm: lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định, chi phí phát triển thị trường, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác. Trong đó, chi phí phát triển thị trường (liên quan đến thù lao báo cáo viên, chi phí tổ chức giới thiệu và tập huấn sách giáo khoa, chi phí tặng sách, phí phát hành khen thường sách tham khảo cho các đại lý, công ty sách...) năm 2020 là 29,7 tỷ đồng và năm 2021 là 24,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.

Trao đổi lại, đại biểu Thúy nêu rõ, tại bản thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty Phương Nam khẳng định: Trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty đã chi 42.065.529.829 đồng và 9 tháng đầu năm 2021, công ty chi 53.799.841.027 đồng để “phát triển thị trường và tập huấn”. Như vậy, có thể hiểu là Công ty Phương Nam đã báo cáo sai hoặc chính Công ty không nắm chắc chi phí của mình bằng Bộ Giáo dục và đào tạo?

Về Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục, đại biểu Thúy đã nêu bất cập của Thông tư này là: “Trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy”.

Trong văn bản trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu một số việc làm của Bộ như gửi công văn nhắc nhở các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư số 25 và cử 8 đoàn thanh tra về một số địa phương.

“Tuy nhiên, rất tiếc là công văn vẫn chưa giải thích tính hợp lý của quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Thông tư nói trên: Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, đại biểu Thúy trao đổi lại.

Theo đại biểu, quy định này sẽ dẫn đến toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa rất có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là, nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển sách giáo khoa cho một môn học thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo.

Thứ hai là hệ quả trong thực tiễn, theo ý kiến từ công luận, hiện nay, do có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn và phát hành sách giáo khoa, nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương “Một chương trình - nhiều sách giáo khoa”, đại biểu Thúy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ kiểm tra để xác nhận sách giáo khoa được cơ sở giáo dục phổ thông  lựa chọn là sách đã được Bộ phê duyệt cho sử dụng, báo cáo UBND tỉnh quyết định. Trong trường hợp sách giáo khoa được dưới 10% cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, hội đồng khuyến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo cho các cơ sở đó biết tỷ lệ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở khác trong toàn tỉnh (thành phố) để cơ sở nghiên cứu, lựa chọn lại, nếu cần.

Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8. Trong trường hợp cơ sở giáo dục phổ thông vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì hội đồng lựa chọn sách giáo khoa báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền dân chủ của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa, đại biểu Thúy trao đổi. 

Ở văn bản trao đổi, bà Thúy khẳng định các ý kiến nêu trên cũng như tại các thư chất vấn, các diễn đàn chỉ là để thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, nhằm phát hiện và đề xuất cách giải quyết vấn đề, giúp cho Bộ thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng và các Nghị quyết số 88, 51 của Quốc hội.

Tin liên quan
Tin khác