. |
Phát biểu về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 tại phiên họp toàn thể 28/5, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đã phải thốt lên rằng, đáng lẽ ra doanh nghiệp nhà nước phải đóng góp vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, nhưng thực tế về hiệu quả hoạt động thời gian qua lại cho thấy, DNNN ở vị trí “khóa đuôi”.
Hệ số ICOR của khu vực doanh nghiệp nhà nước luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Ví dụ, năm 2016 các doanh nghiệp nhà nước phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp gần 2 lần so với mức chỉ trên 5 đồng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Hơn nữa, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước không chỉ ở mức thấp, mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian, từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10% và 4,6% năm 2016. Ngân sách nhà nước cũng đã nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước, tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3%/năm trong giai đoạn 2011-2016.
Điều đáng tiếc, theo ông Lộc là, tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước thời gian qua lại diễn ra rất chậm chạp và rất hình thức.
"Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã cổ phần hoá được 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, nhưng chỉ thu về được khoảng 43.000 tỷ đồng là quá ít ỏi. Nhiều tổng công ty chỉ bán từ 1% đến 2% vốn điều lệ ra bên ngoài, nên khó có thể gọi đó là cổ phần hoá theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa".
Đáng nói là, xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, càng cho thấy sự yếu kém và rất có vấn đề về hiệu quả sử dụng đồng vốn của DNNN, đồng thời nhấn mạnh vào những vấn đề nội tại của chính các doanh nghiệp chưa được xử lý, bao gồm việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp chưa nghiêm, đã tồn tại trong suốt một thời gian dài và còn khá phổ biến.
“Tôi cho rằng, nguyên nhân gốc rễ nằm ở vấn đề sở hữu. Nếu vốn Nhà nước còn cao và áp đảo trong các doanh nghiệp thì hiệu quả khó được cải thiện. Vấn đề quan trọng là phải đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN một cách thực chất, thoái nhanh vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giải quyết dứt điểm câu chuyện cổ phần hóa đã chậm lại hình thức như thời gian qua”, ông Lộc nêu ý kiến.
Chưa kể, quy định về niêm yết của doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng không được thực hiện nghiêm túc. Tháng 8/2017, có 747 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn mà không ai phải chịu trách nhiệm. Việc này, ông Lộc cho rằng, nếu không xử lý dứt điểm sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.