Năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra và Samsung đang chịu sự cạnh tranh từ Motorola và Nokia, Công ty đã có một động thái đáng chú ý, đó là công bố khoản đầu tư 650 triệu USD vào nhà máy ở Bắc Ninh (Việt Nam). Càng thú vị hơn khi thời điểm đó, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam không có nhiều thành tích nổi bật.
Đến năm 2013, Samsung tiếp tục đầu tư tổ hợp thứ hai ở Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD. Một năm sau đó, Samsung lại đầu tư nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng, lần này là ở quận 9 ( TP.HCM).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam. |
"Tất cả các vị trí chúng tôi chọn đầu tư đều có những ý nghĩa riêng, mục tiêu riêng", ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 với chủ đề "Đón sóng đầu tư mới".
Quay trở lại vào năm 2008, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam chưa phát triển, linh kiện vẫn phụ thuộc rất lớn từ Trung Quốc. Thứ đến, việc di dời nhà máy từ Trung Quốc phụ thuộc vào hai đường chính là đường biển và đường hàng không. Cuối cùng, cũng quan trọng không kém, là sản phẩm Samsung phải được đưa ra thị trường ngay sau khi sản xuất 1 tuần, nên việc phân phối phụ thuộc vào đường hàng không. Chính vì thế Bắc Ninh là lựa chọn phù hợp vì gần Hà Nội, sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng.
Đến khu tổ hợp thứ hai, Công ty phải đáp ứng được nhu cầu trao đổi phương tiện, nguyên vật liệu với nhà máy ở Bắc Ninh trong vòng 40 phút, chính vì thế, Thái Nguyên là địa điểm được lựa chọn. Trung tâm nghiên cứu của Samsung cũng được đặt ở Hà Nội vì lý do này. Ngoài ra, việc nghiên cứu cần nhân lực, kỹ sư có trình độ nên đặt ở Hà Nội, Công ty có thể tận dụng được nguồn nhân lực trình độ cao tại các trường đại học hàng đầu ở Hà Nội.
Với nhà máy thứ ba ở TP.HCM, đây là sự lựa chọn có phần khác biệt hơn hai nhà máy trước, do mặt hàng điện gia dụng như tủ lạnh, điều hoà, TV có kích thước lớn và các doanh nghiệp ở miền Nam có thế mạnh trong việc ép nhựa và đúc chi tiết lớn nên khu vực này được lựa chọn. Mặt khác, TP.HCM cũng gần sân bay, cảng biển, đáp ứng nhu cầu xuất hàng đi khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Việc lựa chọn đầu tư chiến lược, tận dụng nguồn lực cụ thể từng địa phương ở Việt Nam hơn 10 năm qua đã giúp Samsung đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Quý III/2020, Công ty tiếp tục là đơn vị sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới với 22% thị phần.
Ông Tuấn nhấn mạnh rằng, khả năng cạnh tranh của Samsung trong thời gian tới đến từ khả năng cung cấp linh kiện của các nhà sản xuất Việt Nam, hiện đang chiếm 60%. Rất nhiều bộ phận thiết bị điện thoại với độ phức tạp cao như pin, kính 3d kim loại được sản xuất 100% ở Việt Nam.
Chính vì thế, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam theo bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ví dụ, cùng một sản phẩm nhưng giá thành sản xuất năm sau giảm hơn năm trước. Theo ông Tuấn, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Samsung, Công ty có nhiều chương trình đào tạo đưa chuyên gia Hàn Quốc sang doanh nghiệp đối tác làm việc trong vòng 3 tháng để hiểu môi trường lao động, sản xuất để đưa ra các giải pháp cải tiến.
Tính đến hết năm 2019, mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ của Samsung ở Việt Nam là 679 doanh nghiệp, trong đó có 172 nhà cung cấp cấp 2 và 42 nhà cung cấp cấp 1. Số còn lại là các doanh nghiệp cung cấp vật tư văn phòng, vật tư tiêu hao phục vụ sản xuất.
Song song đó, Công ty tiếp tục đa dạng danh mục mua hàng của mình và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 với sức chứa 3.000 người.
"Sản phẩm Galaxy A70 được thiết kế và sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thời gian tới các dòng sản phẩm cao cấp của Samsung sẽ có sự đóng góp của người Việt Nam", ông Tuấn nói,