Đầu tư
Đại gia Amata muốn đầu tư lớn vào Bình Định
Hà Nguyễn - 06/01/2015 15:27
Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang muốn đầu tư xây dựng một dự án quy mô lớn ở Bình Định, đón đầu việc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT đầu tư dự án lọc hóa dầu 22 tỷ USD ở tỉnh này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bổ sung Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch
Amata cam kết đổ thêm 530 triệu USD vào Đồng Nai
Dự án Amata 500 triệu USD chưa có mặt bằng

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang lên kế hoạch đầu tư một dự án lớn tại tỉnh Bình Định.

Cuối năm 2014, lãnh đạo Tập đoàn Amata đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về khả năng mở rộng Khu kinh tế Nhơn Hội, đồng thời bày tỏ mối quan tâm tới vị trí và ranh giới của Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory… để nghiên cứu, xúc tiến đầu tư dự án vào Bình Định.

Amata hiện rất thành công với KCN Amata ở Đồng Nai

Chuyến đi này được cho là bước đi tiếp theo của Tập đoàn Amata sau khi ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn, bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ý định đầu tư một khu phức hợp ở Bình Định hồi giữa tháng 12/2014 vừa qua.

Việc Dự án Lọc hóa dầu Victory, do PTT và Saudi Aramco đầu tư, với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 22 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, được cho là cú hích quan trọng để Amata quan tâm đầu tư một khu công nghiệp, đô thị ở Bình Định.

Hiện nay, ngoài Amata, VSIP (Singapore) cũng đã đề xuất việc đầu tư một khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ ở Bình Định, giống như các khu VSIP mà công ty này đã đầu tư ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi.

Trong khi đó, Amata hiện đang thành công với KCN Amata ở Đồng Nai và đang theo đuổi Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao ở Quảng Ninh. Dự án này dự kiến có vốn đầu tư 2 tỷ USD. Ngoài ra, Amata cũng vẫn đang lên kế hoạch đầu tư một dự án khác ở Đồng Nai.

Tháng 9/2014, Tập đoàn Amata đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Đồng Nai để hai bên phối hợp triển khai Dự án Khu công nghệ cao và Khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án có vốn đầu tư 530 triệu USD.

Tin liên quan
Tin khác