Tập đoàn Hoa Sen đang muốn thế chân chủ đầu tư cũ để đầu tư một dự án thép trên phần đất mà E-United và Tycoons đã “xí phần” để triển khai Dự án Thép Guang Lian mà không triển khai.
Chi tiết phương án đầu tư của Hoa Sen chưa được tiết lộ, song trong một văn bản mà UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chuyển tới tập đoàn này, thì ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nếu Hoa Sen nhận chuyển nhượng hoặc tham gia Dự án Guang Lian và không điều chỉnh Dự án (giữ nguyên mục tiêu, quy mô công suất và diện tích đất sử dụng) thì Dự án được giữ nguyên ưu đãi cũ. Nếu trong trường hợp sau khi nhận chuyển nhượng, mà Hoa Sen điều chỉnh Dự án thì ưu đãi sẽ thay đổi.
Trong khi đó, nếu đầu tư dự án mới, thì các ưu đãi sẽ được áp dụng theo quy định hiện hành, mà theo Luật Đầu tư sửa đổi thì luyện cán thép không còn là lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư nữa.
Như vậy có nghĩa, cho đến thời điểm này, phương án đầu tư dự án như thế nào vẫn đang được cân nhắc. Thậm chí, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất việc Tập đoàn Hoa Sen nên chọn công suất dự án khoảng 3-5 triệu tấn, vì nó phù hợp với khả năng đáp ứng về đất, cảng và độ sâu luồng cảng, cũng như thời gian sử dụng đất phù hợp với phân kỳ đầu tư.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong trường hợp Hoa Sen chọn phương án 5 triệu tấn, thì diện tích đất tối đa mà tỉnh giao cho Tập đoàn là bằng diện tích đất của Dự án Thép Guang Lian (504 ha). Chấp thuận phương án này, tỉnh sẽ giao toàn bộ 375 ha đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng. Phần còn lại, sẽ đề xuất Trung ương hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu không, Hoa Sen sẽ ứng trước chi phí này.
Cùng với việc đề xuất triển khai dự án thép tại khu vực Dự án Guang Lian, thì Hoa Sen cũng đã đề xuất các vấn đề liên quan tới xây dựng cảng chuyên dụng, nạo vét tuyến luồng…, để chuẩn bị cho việc đầu tư và triển khai Dự án.
Việc Hoa Sen nhắm vào Dự án Guang Lian trên thực tế đã bắt đầu sau khi E-United tuyên bố không đủ nguồn lực tài chính để triển khai Dự án. Hiện tại, Quảng Ngãi vẫn đang vất vả tìm cách xử lý các vấn đề liên quan “hậu” Guang Lian, bao gồm cả việc thu hồi Dự án, cũng như tìm nhà đầu tư thay thế. Gần 400 ha đất bỏ hoang gần 10 năm nay đã gây bức xúc không nhỏ trong dư luận Quảng Ngãi.
Giữa tháng 7 năm nay, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 16 Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc khi nhiều khu đất vàng tại Khu kinh tế Dung Quất cấp cho nhà đầu tư đang bị bỏ hoang, trong đó có Dự án Guang Lian - sau 9 năm cấp giấy chứng nhận đầu tư và nhiều lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chỉ là một bãi đất trống đầy cỏ dại. Lúc ấy, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã nhắc đến việc Tập đoàn Hoa Sen muốn đầu tư vào khu đất Guang Lian. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nhắm đến vị trí này.
Song như thông tin hiện nay, nhiều khả năng, Hoa Sen đang là ứng cử viên sáng giá. Trước đây, Hòa Phát cũng đã từng nhòm ngó và tính đến việc mua lại Dự án Guang Lian, song sau đó, không có bất cứ động thái nào khác. Với việc Hòa Phát đang tiếp tục triển khai giai đoạn III Khu liên hợp Thép Hòa Phát tại Hải Dương, thì có lẽ tập đoàn thép hiện đứng trong top 3 nhà sản xuất thép Việt Nam này không theo đuổi Dự án Guang Lian nữa.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra trong lúc này là liệu kế hoạch của Hoa Sen có khả thi? Hoa Sen cũng là một trong những tập đoàn lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất tôn - thép. Sau hơn 14 năm thành lập, thì Hoa Sen hiện có 5 công ty thành viên và hai nhà máy sản xuất, đồng thời đang tiếp tục lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án trong cả nước và hướng tới kinh doanh đa ngành. Gần đây nhất, trung tuần tháng 6 vừa qua, Hoa Sen đã khởi công xây dựng nhà máy cán nguội với công suất 1 triệu tấn, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng ở Nghệ An.
Theo báo cáo của Hoa Sen, thì ước kết quả kinh doanh hợp nhất lũy kế 9 tháng đầu năm (tính từ tháng 10/2014 đến hết tháng 6/2015), Tập đoàn đạt doanh thu thuần 13.521 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 484 tỷ đồng.
Một tiềm lực tài chính khá mạnh, nhưng liệu Hoa Sen có đủ sức để đeo đuổi Dự án Guang Lian hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi với quy mô 3-5 triệu tấn, thì Hoa Sen sẽ phải dốc một nguồn vốn rất lớn cho dự án này. Dự án Guang Lian hiện có vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD.
Điều này rõ ràng là một thách thức không nhỏ với Hoa Sen, nhất là trong bối cảnh thị trường thép đang cạnh tranh gay gắt. Việc JFE (Nhật Bản), rồi E-United rút lui khỏi dự án này cũng một phần xuất phát từ vấn đề thị trường.
Trong khi đó, Quảng Ngãi cũng đang gặp thách thức lớn. Bởi họ buộc phải tìm kiếm được một nhà đầu tư có khả năng tài chính đủ mạnh để đủ sức hồi sinh vùng đất đã bị bỏ hoang gần 1 thập kỷ vừa qua, nếu không sẽ tiếp tục bị dư luận chất vấn.