Tiến sâu vào thế giới công nghệ cao
Hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air đều thể hiện độ hăng hái muốn áp dụng Skywise, một công nghệ tiên tiến của Airbus Marc Fontaine - Tập đoàn công nghiệp hàng không hàng đầu thế giới.
Năm 2017, Airbus Marc Fontaine đến Việt Nam để giới thiệu ứng dụng công nghệ AOG (Aircraft On Ground) Skywise.
Skywise được Airbus ví như “trái tim của ngành hàng không”. Một đổi mới cốt lõi trong chiến lược chuyển đổi số của Airbus và là nhân tố thay đổi cuộc chơi của toàn bộ ngành hàng không.
Vietjet đã tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào trong mọi hoạt động từ thương mại, dịch vụ, an toàn khai thác, quản lý điều hành bay, quản lý kỹ thuật. Ảnh: Đức Thanh |
Không chỉ tích hợp tất cả các dữ liệu của ngành hàng không, Airbus còn chia sẻ các nguồn dữ liệu của Hãng về lịch sử gián đoạn hoạt động, bộ phận thay thế, báo cáo sau chuyến bay, báo cáo thí điểm, giám sát tình trạng máy bay… trên Skywise. Các nhà khai thác máy bay Airbus sẽ tận dụng kiến thức tích luỹ của 20.000 kỹ sư Airbus đã theo dõi hiệu suất của từng chiếc máy bay trong suốt thời gian hoạt động.
“Chúng tôi sẵn sàng ứng dụng nền tảng này để nâng cao hiệu quả của Vietnam Airlines”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Trong khi đó, việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu ngành hàng không là trọng tâm chiến lược phát triển của Vietjet trên con đường trở thành hãng hàng không tiêu dùng toàn cầu.
Ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Vietjet tiết lộ, Vietjet đã tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào trong mọi hoạt động từ thương mại, dịch vụ, an toàn khai thác, quản lý điều hành bay, quản lý kỹ thuật... Hãng sẽ đầu tư đội bay hiện đại với xu hướng công nghệ mới nhất, nhằm đem đến trải nghiệm bay thoải mái và thú vị cho hành khách. Hiện Vietjet đã hợp tác với Google để phát triển ứng dụng thương mại điện tử, với Amazon Website Services để lưu trữ dữ liệu của Hãng, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, vận hành và dịch vụ.
Nếu như Vietnam Airlines, VietJet Air tuyên bố sẵn sàng áp dụng công nghệ của ngành hàng không thế giới vào chiến lược phát triển của mình, thì Vingroup - tập đoàn tư nhân có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (với gần 15 tỷ USD), lại muốn tự mình làm chủ và tạo ra công nghệ.
Vingroup vốn nổi tiếng với hoạt động thương mại dịch vụ và mới lấn sân sang lĩnh vực công nghiệp như sản xuất ôtô, smartphone, thiết bị điện gia dụng thông minh. Một bước đệm trong định hướng trở thành tập đoàn công nghệ trong vòng một thập kỷ tới, cho thấy sự nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên 4.0.
“Trải qua 25 năm đầu tư và tích lũy, đến nay, Vingroup đã hội tụ đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Vingroup khẳng định.
Để thực hiện chiến lược trên, Vingroup tuyên bố thành lập hai viện nghiên cứu, hai quỹ đầu tư, một trung tâm VinTech City theo mô hình “thung lũng Silicon tại Hà Nội” và hợp tác với 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Vingroup cũng lập Quỹ Đầu tư về công nghệ để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm.
Dù định hướng công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng chính, nhưng Tập đoàn vẫn phải dựa vào “gốc rễ” sẵn có từ mảng thương mại dịch vụ và đó được coi là chỗ dựa tài chính rất vững chắc cho mảng công nghệ và công nghiệp.
Không phải là “cách làm kiểu ăn theo”, Vingroup đang chứng minh những gì mình làm là sự kết hợp hoàn hảo của xu thế thời đại với lợi thế đi sau. Và trên hết, sự xoay chuyển chiến lược đó cho thấy, tinh thần khởi nghiệp với vị thế một tập đoàn hàng đầu nhưng vẫn còn động lực đổi mới, sáng tạo.
Chờ lộ diện tỷ phú ngành công nghệ thông tin
Sẽ không công bằng khi nhắc đến kỷ nguyên 4.0, trí tuệ nhân tạo, mà bỏ qua những “sói già” công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam bao năm qua.
Với Tập đoàn FPT, cách mạng công nghiệp 4.0 chính là vũ khí quan trọng nhất trong tay để bước ra trường quốc tế. Nhờ 4.0, từ big data cho đến trí tuệ nhân tạo, FPT đã được tiếp cận, được giao việc và được cộng tác với những tập đoàn lớn nhất thế giới của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
“Nhưng lại rất buồn khi về Việt Nam, bởi cách mạng công nghệ 4.0 dường như chỉ được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn, trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT cho hay.
Vậy Việt Nam đang ở đâu trong quá trình chuyển đối số hướng tới cuộc cách mạng 4.0?
Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia sẵn sàng cho nền kinh tế sản xuất tương lai. Trong đó, một số yếu tố bị đánh giá là còn yếu kém như: Chỉ số công nghệ và đổi mới xếp hạng 90 (phủ sóng 4G xếp hạng 96, An toàn thông tin xếp hạng 90, R&D xếp thứ 84…); Chỉ số nguồn lực con người xếp thứ 70.
Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng, các doanh nghiệp, hiệp hội khắc sẽ phục những điểm nghẽn đó.
“Chúng tôi nhận được đơn đặt hàng cho những tập đoàn trên toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, big data. Quay về nước, chúng tôi cũng sẽ được nhận được việc từ các tổ chức, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bảo cho biết.
Trong năm nay, khối công nghệ và viễn thông sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn. FPT sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng là các tập đoàn toàn cầu có quy mô doanh thu cỡ vài chục tỷ USD. Đầu tư trọng điểm vào công nghệ quản lý dữ liệu như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, công nghệ robot… Chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang cho thuê dịch vụ công nghệ.
Tạp chí Forbes công bố, Việt Nam có 4 tỷ phú, nhưng trong đó không có tỷ phú nào làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vậy nên dù có chiến lược tầm cỡ như thế nào đi chăng nữa, thì điều mong ước lớn nhất của ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC là, trong tương lai không xa, ngành công nghệ thông tin Việt Nam sẽ có được ít nhất 1 tỷ phú để góp phần đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Hành động nhanh
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp phải hành động thật nhanh và muốn làm được như vậy cần phải thay đổi nhận thức và thái độ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Điều này có nghĩa rằng, lợi thế của Việt Nam khi tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 là nhân lực trẻ và sự phổ cập Internet là chưa đủ và vì thế, sự đổi mới phải được bắt đầu từ thay đổi tư duy.
Tuy nhiên, có một sự thật là, ai cũng nói phải thay đổi, nhưng chưa nhiều người thực sự thay đổi. Chính vì khoảng cách giữa lời nói và hành động đã khiến trong nhiều năm qua, tăng trưởng của ngành viễn thông, ngân hàng và lĩnh vực IT là khá thấp.
Hạn chế về nguồn nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu đã được ông Raimund Klein, Phó chủ tịch Siemens ASEAN coi là một rào cản lớn để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Không ai làm việc trong một nhà máy thông minh khi họ bị coi là thấp kém hơn máy móc. Người điều hành cần có thái độ phù hợp, sẵn sàng cho sự thay đổi để cân bằng giữa vấn đề của người lao động và sự tiên tiến của máy móc”, ông Raimund Klein nói.
Không ai có thể trốn trong vùng an toàn và buộc phải đối mặt với thực tại của của cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, việc thay đổi nhận thức cần phải diễn ra trên diện rộng, bởi Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, chắc chắn không thể phát triển trong của cách mạng công nghiệp 4.0, nếu chỉ một phần dân số có nhận thức mới.