Bùng nổ công nghệ cao
Mới đây, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đã không ngần ngại nêu ra lý do khiến ông rời bỏ vị trí Tổng giám đốc điều hành SAP Việt Nam khi Microsoft đưa ra lời mời rất hấp dẫn về công nghệ đi đầu cho cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Trường, sự thắng thế của công nghệ đã được thể hiện rõ, khi theo thống kê của Tập đoàn dữ liệu IDG, tính tới ngày 30/7/2018, 7/10 công ty lớn nhất thế giới là những công ty công nghệ.
Đội ngũ nhân sự trẻ, yêu công nghệ cũng hứa hẹn sẽ là nền tảng cho sự bùng nổ cho phát triển công nghệ cao |
Trên thực tế, tại Việt Nam, công nghệ 4.0 đã và đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày. Đơn cử, cuối năm 2017, Tập đoàn IBM đã phối hợp với Bệnh viện K giới thiệu ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) có tên Watson for Oncology trong khám chữa bệnh ung thư tới giới y học Việt Nam; Công ty TNHH Hệ thống mới Việt Nam (NSV) cũng đã bắt đầu phân phối phần mềm 3D Experience của Tập đoàn Dassault Systèmes (Pháp) tại Việt Nam. Phần mềm này sẽ giúp doanh nghiệp kết nối quy trình sản xuất của nhà máy với xưởng sản xuất, phòng thiết kế, trung tâm phát triển sản phẩm, bộ phận giao dịch với khách hàng và bộ phận hậu mãi.
Tại Việt Nam, ngoài sự góp mặt của những tập đoàn lớn, thì đội ngũ nhân sự trẻ, yêu công nghệ cũng hứa hẹn sẽ là nền tảng cho sự bùng nổ cho phát triển công nghệ cao.
Đi đầu về công nghệ mới có thể thấy như Phạm Ngọc Mai Anh, hiện là CEO ADT Creative, sau khi tốt nghiệp truyền thông tương tác tại Anh năm 2013, với những kiến thức rất mới mẻ về thực tế ảo, thực tế tăng cường, mặc dù biết thị trường chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này, cô vẫn bắt tay vào để đưa công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, số hóa sản phẩm thành 3D… nhằm phục vụ doanh nghiệp. Kết quả là, đến năm 2017, ADT Creative đã thực hiện được khoảng 50 dự án với 40 đối tác, trong đó có những đối tác lớn như Viettel, Trung Nguyên, Thiên Long.
Cũng sử dụng công nghệ mới liên quan tới xử lý dữ liệu lớn, nhưng Cyradar lại phát triển nhiều ứng dụng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công an ninh mạng cho doanh nghiệp.
Lý do cho sự ra đời của Cyradar, theo Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập Cyradar, khởi nguồn từ việc Đức mày mò, tìm hiểu cách áp dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn vào lĩnh vực an ninh mạng.
Công nghệ mới trên đã đem tới cho Cyradar thành quả đáng khích lệ khi cuối năm 2017, ngoài những khách hàng là doanh nghiệp và một số bộ, ngành, sản phẩm của Cyradar cũng đã được giới thiệu tới khá nhiều quốc gia phát triển về công nghệ như Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Chuyển đổi để giải bài toán nhân sự
Mặc dù đã có những thành công bước đầu khi đưa công nghệ cao vào ứng dụng trên thực tế, nhưng CEO ADT Creative cũng thừa nhận, nhân sự là vấn đề làm đau đầu hầu hết các CEO công nghệ.
Để giải quyết bài toán này, ngoài đội ngũ quản lý hầu hết là những du học sinh từ Anh về, ADT Creative phải tuyển những người tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu Việt Nam về kỹ thuật, sáng tạo và đào tạo bằng cách cho làm dự án trực tiếp để trong 3 tháng có thể thành thạo mọi kỹ năng.
Với Cyradar, đây cũng là bài toán nan giải khi nhu cầu nhân sự ngành này tại doanh nghiệp và ngân hàng là rất lớn.
Trước tín hiệu khát nhân sự từ thực tế của doanh nghiệp, mới đây, Viện Đào tạo quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân) đã chính thức giới thiệu 2 chương trình cao học gồm cao học quản trị công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và cao học quản trị kinh doanh cao cấp chuyên ngành quản trị bất động sản, quản trị bệnh viện, dịch vụ y tế và quản trị doanh nghiệp.
Đây là 2 chương trình cao học quốc tế mới do Trường đại học Kinh tế quốc dân hợp tác với các trường đại học của Đức và Canada có nội dung cập nhật và thể hiện nội dung độc quyền về ứng dụng công nghệ quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước đó, ông Patrick Boiron, Hiệu trưởng Trường đại học Việt - Pháp (USTH) cũng cho biết, USTH đang có kế hoạch tăng quy mô đào tạo từ 3.000 sinh viên hiện nay lên 10.000 sinh viên theo hướng đào tạo kỹ sư chất lượng cao có thể làm việc ngay tại các doanh nghiệp chuyển đổi áp dụng các công nghệ 4.0.
Không chỉ các trường đại học nhảy vào cuộc chơi đào tạo nhân sự công nghệ cao, mà những doanh nghiệp đưa ứng dụng công nghệ mới như NSV, Microsoft cũng bắt tay vào hợp tác với các trường hoặc tự đầu tư tài chính vào định hướng, đào tạo nhân sự.
Với Microsoft, mỗi năm, tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn chi khoảng 1 triệu USD nhằm hỗ trợ đào tạo cho khoảng 15.000 học sinh để tiếp cận, định hướng tới lĩnh vực công nghệ. Tập đoàn này cũng thu nhận học sinh xuất sắc của các trường đại học cũng như tham gia tài trợ cho nhiều chương trình thúc đẩy sinh viên theo đuổi khoa học, đổi mới sáng tạo như dự án make what next, youth spark….
Cùng với những tín hiệu chuyển đổi hiện có trên thị trường, Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới tạo dựng mạng lưới, hệ sinh thái kết nối giá trị từ 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu - một sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với cơ chế hợp tác mở cho các chuyên gia trong và ngoài nước cũng hứa hẹn sẽ mang tới bước phát triển vượt bậc cho khoa học và công nghệ tại Việt Nam thời gian tới.