Theo bà Ngọc, thành công của SBT trong niên độ vừa qua có sự đóng góp quan trọng từ vùng nguyên liệu rộng lớn hơn 66.000 ha mà doanh nghiệp này đang sở hữu và đầu tư, nhất là vùng nguyên liệu mía sản xuất đường organic tại Lào.
Để củng cố thế mạnh này, Chủ tịch HĐQT SBT cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển diện tích vùng nguyên liệu với trọng tâm là đồng hành cùng người nông dân.
Bên cạnh đó, đối với sản phẩm đường organic, sản phẩm chiến lược đã và đang đưa SBT tiến nhanh ra thị trường quốc tế, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SBT cho hay: “Công ty đang phát triển vùng nguyên liệu tại Lào để có thể hướng tới sản xuất 100.000 tấn đường organic mỗi năm, nhu cầu tại các sàn giao dịch hàng hoá quốc tế là trên 500.000 tấn đường organic. Diện tích mía organic hiện tại của SBT hiện đạt hơn 6.000 ha, hướng đến 14.000 ha vào niên vụ 2025 – 2026”.
Cũng theo HĐQT SBT, việc kinh doanh sản phẩm organic sẽ không chỉ dừng lại ở sản phẩm đường thông thường mà đi sâu vào các sản phẩm giá trị gia tăng tốt cho sức khoẻ.
Công ty đặt mục tiêu làm tốt về mặt nông nghiệp để đưa ra sản phẩm organic theo đúng chuẩn trên thị trường thế giới.
Vì vậy, tại đại hội đồng cổ đông, một trong những kế hoạch quan trọng cổ đông thông qua là phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 20% số cổ phiếu đang lưu hành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo bà Ức My, nguồn vốn thu về sẽ phục vụ cho nhu cầu phát triển và định hướng của công ty trong vòng 5 năm tới. Đối tượng mua cổ phần là các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược cũng như nhà đầu tư riêng lẻ. Thời gian thực hiện sẽ trong vòng 6 đến 9 tháng tới.
Niên độ 2020-2021 là một niên độ đầy thử thách đối với ngành mía đường Việt Nam và SBT nói chung. Tuy vậy, SBT đã có những bước tiến mạnh mẽ trong nhiều chỉ số kinh doanh khi tiêu thụ thành công sản lượng đường hơn 1,16 triệu tấn, vượt 10% kế hoạch và tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thị trường trong nước với 46% thị phần.
Doanh thu thuần đạt 14.925 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 104% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 784 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và đạt 118% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng tăng 79% so với cùng kỳ.
Trong niên độ 2021-2022, Công ty dự báo, thị trường đường thế giới sẽ thiếu hụt hơn 1 triệu tấn so với dự báo cách đây 6 tháng là thặng dư 3 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng giảm từ Brazil, Thái Lan, Ấn Độ.Với thị trường trong nước, theo SBT, sản lượng mía trong nước vụ 2021-2022 dự báo ở mức 7 triệu tấn, tăng khoảng 24% so với vụ 2020-2021.
Tại ĐHCĐ niên độ 2021 – 2022, HĐQT SBT đã trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế Công ty đặt ra cho niên độ này ở mức 750 tỷ đồng cao hơn so với kế hoạch đưa ra cho niên độ trước. Công ty cũng trình cổ đông thông qua chia cổ tức niên độ 2021-2022 ở mức cao hơn niên độ trước, với tỷ lệ 8-10%.
Đồng thời, chia cổ tức cổ phiếu ưu đãi với mức cổ tức cố định là 5,5% trong 1,5 năm đầu tiên và các năm tiếp theo theo thỏa thuận giữa công ty và Quỹ đầu tư DEG nhưng không vượt quá 12%/năm (đã bao gồm cổ tức đã trả trước đó).
Tính đến hết niên độ tài chính 2020-2021, SBT còn nguồn lợi nhuận chưa phân phối là hơn 1.042 tỷ đồng.Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2020-2021 (đã trích cổ tức cổ phiếu ưu đãi và ước tính cổ tức 2019-2020) là hơn 580 tỷ đồng; Một phần thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 30/6/2021 tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán là 462 tỷ đồng.
ĐHCĐ niên độ 2021-2022 của SBT đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận 546,8 tỷ đồng. Theo đó, ngoài trích các Quỹ, Công ty sẽ chia cổ tức niên độ 2020-2021 tỷ lệ 7% tiền mặt hoặc/và cổ phiếu.
Kết phiên chiều ngày 20/10, giá cổ phiếu SBT đạt mức 21.050 đồng/cổ phiếu, khố lượng giao dịch trên 3,3 triệu đơn vị.