Thời sự
Đại hội Công đoàn lần thứ XII: Xây dựng vị thế xứng tầm đại diện giai cấp công nhân giai đoạn mới
Trần Hà - 23/09/2018 14:55
Sáng mai, 24/9, 950 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân viên lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế sẽ chính thức tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII diễn ra từ ngày 24 – 26/9, tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn.
TIN LIÊN QUAN

Tạo vị thế mới từ 3 khâu đột phá

Trao đổi với phóng viên trước thềm Đại hội Công đoàn lần thứ XII, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đi cùng 9 nhóm nhiệm vụ, công tác công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động giai đoạn 2018-2023 sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá. Đó là đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ và xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

.

Lý giải rõ hơn về 3 khâu đột phá này, ông Cường cho biết: “Tư duy công đoàn trước đây chủ yếu là mệnh lệnh, làm từ trên xuống nhưng tư duy này chỉ phù hợp với giai đoạn trước kia khi có tới 90-100% cơ cấu công đoàn thuộc các đơn vị nhà nước. Hiện, cơ cấu này đã thay đổi với 60% thuộc khu vực ngoài nhà nước, 40% thuộc khu vực nhà nước, đó là chưa kể chính sách phát triển kinh tế tư nhân được nhận định sẽ tạo ra 2-3 triệu doanh nghiệp nhà nước càng khiến cơ cấu công đoàn thuộc khu vực ngoài nhà nước tăng cao. Thực tế này đòi hỏi ngành công đoàn phải thay đổi chính mình, tạo ra đội ngũ chuyên nghiệp nhất là đội ngũ bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên như luật sư, tài chính. Chúng tôi sẽ thành lập hội đồng cấp tổng liên đoàn như hội đồng luật sư để tư vấn ban chấp hành, đoàn chủ tịch, công đoàn cấp địa phương để các cấp công đoàn đi đúng hướng, đúng mục tiêu. Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng được ưu tiên chú trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của công đoàn viên. Tư duy công đoàn sẽ phải thay đổi từ công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp cơ sở, công đoàn cấp cơ sở phục vụ đoàn viên”.

Ông Cường cũng khẳng định, nhân lực công đoàn chất lượng sẽ tạo ra hiệu quả lớn. Do đó, ngay sau Đại hội Công đoàn lần thứ XII, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đưa ra đề án liên quan tới đổi mới sắp xếp, cơ chế phối hợp giữa các cấp đoàn, phương thức phục vụ…nhằm tạo ra bộ máy hoạt động hiệu quả.  

“CPTPP và các FTA thế hệ mới đang đặt ra yêu cầu về thành lập nhiều tổ chức công đoàn. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Tổ chức Công đoàn Việt Nam. Làm sao để đoàn viên đi theo Tổ chức Công đoàn Việt Nam mà không phải tổ chức khác. Lời giải là họ chỉ đi theo khi thấy quyền và lợi ích của mình được bảo vệ. Do đó, ngoài việc tạo ra đội ngũ bảo vệ như hệ thống luật sư chất lượng, tập trung nguồn lực chỉ để chăm lo lợi ích người lao động thì Tổng Liên đoàn cũng sẽ có đề án thu hút người tài bằng việc tuyển sinh viên giỏi, cho về cơ sở để làm việc trực tiếp, trải qua nhiều vị trí trước khi về Tổng Liên đoàn. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo đoàn cơ sở ở từng vị trí chức danh cần làm gì và làm thế nào”, ông Cường nói thêm.

Cũng cần nhìn lại thực tế, với vị thế là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động, Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được Đảng, Chính phủ tạo ra khá nhiều chính sách ưu tiên.

Cụ thể, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW (khóa XII) về hội nhập quốc tế trong đó có những chủ trương, quan điểm rõ nét về tổ chức công đoàn như “tạo nguồn lực đủ mạnh để công đoàn Việt Nam hoạt động”. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Kể từ năm 2016, hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động đã trở thành công tác định kỳ hằng năm. Đến nay, qua 3 cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động, nhiều chủ trương, chính sách, những kiến nghị, đề xuất thiết thực của đoàn viên, người lao động đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, góp phần tăng cường lòng tin và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân.

Với vai trò của mình, tính đến thời điểm hiện tại, tổ chức công đoàn đã tham gia xây dựng, hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến người lao động như tham gia vào Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Công đoàn cơ sở đã đại diện cho người lao động ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, công đoàn các cấp cũng đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỷ đồng. Các chương trình như: “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn”, “Tháng công nhân” được tổ chức hàng năm cũng góp phần chăm lo đời sống tốt hơn cho hàng triệu công nhân lao động.

Mục tiêu xây dựng 50 thiết chế công đoàn

Theo số liệu thống kê hiện cả nước có khoảng 334 các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với khoảng 2,7 triệu lao động đang làm việc. Khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam  năm 2016 cho thấy có khoảng 1,2 triệu người lao động có nhu cầu về nhà ở , 1,4 triệu có nhu cầu về siêu thị, các khu vui chơi giải trí, nhà trẻ.

Trước thực tế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Mục tiêu của đề án này là đến năm 2023 sẽ hoàn thiện việc xây dựng 50 thiết chế công đoàn. Đây là tổ hợp công trình bao gồm nhà ở, nhà trẻ siêu thị, công trình văn hóa thể thao các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho cuộc sống người công nhân. Mỗi thiết chế sẽ có khoảng 1.000 căn hộ với diện tích 30 -45 m2.

Ông Trần Văn Khải, Trưởng ban quản lý thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Kết quả sau 1 năm thực hiện đề án, hiện đã có 20 tỉnh dùng kinh phí địa phương giải phóng mặt bằng bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng  Liên đoàn. 30 địa phương còn lại chúng tôi đang tích cực làm việc để có quỹ đất sớm đầu tư”.

Ông Khải cũng cho biết: “Giá mỗi căn hộ này sẽ từ 150 triệu đồng trở lên. Mức giá này chỉ bằng 1/3 ngoài thị trường. Để tránh trục lợi, chúng tôi cũng làm việc với các địa phương để phê duyệt đúng đối tượng với quy trình đơn giản nhất. Để  50 thiết chế này hoạt động là 50 khu dịch vụ hoàn chỉnh, chúng tôi cũng đã đàm phán với các siêu thị, công ty bán lẻ liên kết để có giá rẻ nhất và phối hợp với chính quyền, ngành giáo dục địa phương bàn cơ chế quản lý vận hành nhà trẻ phục vụ công nhân sau này”.

Ông Khải cũng cho biết, hiện các ngân hàng đã thống nhất cho công nhân vay với lãi suất thấp từ 7 – 7,5%/năm trong thời gian từ 10 – 20 năm.  Theo tính toán, mỗi công nhân chỉ bỏ ra 1,5 – 1,8 triệu/tháng và sau 7 – 8 năm có thể mua được nhà.

Dự kiến, trong tháng công nhân 2019, 300 căn hộ đầu tiên sẽ được bàn giao tới công nhân lao động. 

Đại hội Công đoàn lần thứ XII sẽ thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thảo luận, biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2018-2023; Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung; Bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa 12.

Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 12 gồm 175 ủy viên; Đoàn Chủ tịch gồm 27 ủy viên; Ủy Ban Kiểm tra gồm 17 ủy viên.

Trong khuôn khổ Đại hội, ngày 26/9/2018, sẽ diễn ra Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Tin liên quan
Tin khác