Thời sự
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019: Sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững
Sáng 12/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (LHQ) Vesak 2019 chính thức khai mạc với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Lễ khai mạc.
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak 2019.

Dự lễ khai mạc có Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đệ nhất Phó Pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ LHQ Vesak 2019; Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sỹ Brahmanpundit - Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức quốc tế Vesak LHQ - Viện trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya Thái Lan; Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên thủ các quốc gia: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký LHQ; khoảng 4.500 đại biểu chính thức tham dự Đại lễ, trong đó có 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 20.000 tăng ni, phật tử, các du khách trong và ngoài nước.

Chủ đề của Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định. Thông điệp của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta. Đại lễ Vesak LHQ 2019 sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo thế giới, tạo nguồn cảm hứng và hướng tới sự nhập thế xã hội, phụng sự nhân sinh, giải phóng khổ đau, mang lại an vui, thịnh vượng và phát triển bền vững cho nhân loại.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ LHQ Vesak 2019 phát biểu diễn văn khai mạc Đại lễ.

Sau các nghi thức rước Chư Tôn đức giáo phẩm, tăng tổng và các nguyên thủ quốc gia, xưng tán Tam bảo, niệm danh hiệu Phật, Hòa thượng Thích Trí Quảng đại diện cho GHPGVN tuyên đọc thông điệp của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ GHPGVN. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đọc diễn văn khai mạc Đại lễ. Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sỹ Brahmanpundit - Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức quốc tế Vesak LHQ – Viện trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya Thái Lan có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Phật giáo trong cuộc sống hiện đại.

Tổng thống Cộng hòa Liên Bang Myanmar Win Myint phát biểu tại Lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Vesak là thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Liên Hợp Quốc vì thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát huy những giá trị tích cực của đạo Phật cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình, dù các dân tộc, quốc gia có sự khác nhau về ngôn ngữ, truyền thống. Vesak là dịp để mỗi người cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm lời phật dạy, cùng nhau tìm ra giải pháp, kiến tạo thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. “Chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, suy ngẫm về chân lý hoà bình, tinh thần khoan dung, lòng từ bi, phát huy chân lý đó vào cuộc sống, giải quyết xung đột, để góp phần giúp các quốc gia, dân tộc phát triển”. Thủ tướng đánh giá cao chủ đề Vesak 2019 về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. “Mỗi người hãy là sứ giả của Đức Phật để hiện thực hoá thông điệp hoà bình, yêu thương vào cuộc sống, góp phần hoá giải xung đột, khổ đau, để mọi người được sống yên vui”.

Nhắc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là gương sáng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức Vesak 2019 thêm lần nữa khẳng định chính phủ luôn quan tâm tôn trọng các giá trị Phật giáo phù hợp với lối sống hướng thiện của con người Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng quan hệ hợp tác với các quốc gia với tinh thần đoàn kết, hoà bình, vì sự hoà hợp giữa các dân tộc. Với vai trò là nước chủ nhà Vesak 2019, Thủ tướng hy vọng, các đại biểu sẽ có những ngày ý nghĩa tại Việt Nam và hiểu thêm về con người, văn hoá Việt Nam.

toàn cảnh Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak 2019.

Cũng tại buổi lễ khai mạc, Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng Thư ký LHQ đọc diễn văn chào mừng Đại lễ. Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn độ có bài thuyết trình với chủ đề: Cách tiếp cận của Phật giáo và sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Các đại  biểu cũng nghe thông điệp của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

Tại không gian lễ hội (Điện Tam Thế, Điện Thích ca, Điện quan âm) của chùa Tam Chúc hàng vạn đồng bào phật tử tham dự nghi thức tắm phật và nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc do Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN thực hiện.

Chiều cùng ngày là các hoạt động trồng cây lưu niệm của trưởng phái đoàn các nước tại Công viên Tam Chúc; Phát biểu của Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, thông điệp của lãnh tụ các giáo hội Phật giáo thế giới tại Hội trường chính.

Buổi tối lúc 18h là Lễ Thuyết Pháp ý nghĩa Phật đản tại Lễ đài Điện Thích Ca, Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế tại Sân khấu quảng trường Tam quan và màn pháo hoa tầm thấp tại Tháp Ngọc chùa Tam Chúc. Các chương trình được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.

Từ sáng sớm, tại các ngả đường rực rỡ cờ hoa, hàng vạn tăng ni, phật tử và người dân trong và ngoài nước nô nức đổ về Tam Chúc tham dự Đại lễ Phật đản Vesak 2019 thể hiện tinh thần hướng phật, yêu chuộng hòa bình và tầm quan trọng của Đại lễ. Lực lượng cảnh sát giao thông, quân đội được bố trí chỉ dẫn, phân làn đảm bảo an toàn, trật tự. Cùng với đó, hơn 7.200 tình nguyện viên và 450 xe điện miễn phí sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho các đại biểu, quan khách và người dân. Đại lễ còn tổ chức một Trung tâm ẩm thực rộng 4.000m2 với 500 món ăn chay đặc sản của 3 miền Bắc, trung, Nam phục vụ hàng nhìn đại biểu. Các nhà báo trong và ngoài nước cũng được tạo điều kiện tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí trước Hội trường Hội nghị Quốc tế Tam Chúc với đầy đủ các thiết bị và máy móc hiện đại. Với phong cảnh hữu tỉnh của Trung tâm Phật giáo Tam Chúc, giữa không khí đón khách trọng thể, thân tình cùng quy mô tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp chắc chắn đây sẽ là điểm nhấn ấn tượng đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đẹp hơn, thân thiện hơn trong mắt các đại biểu, quan khách và bạn bè quốc tế.

Ngày 13/5 sẽ diễn ra Khóa lễ tụng kinh và cầu nguyện các đoàn Phật giáo cùng Hội thảo nhóm với 5 chuyên đề “Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững”, “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững”, “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu”, “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0”, “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững”. Đại lễ Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới với sự tham dự và phát biểu của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Quảng trường Cột Kinh, Điện Quan Âm. 9h sáng ngày 14/5 là Lễ Bế mạc Đại lễ Vesak, tuyên bố chung Vesak 2019 - Tuyên bố Hà Nam và chuyển giao đăng cai Vesak LHQ 2020.
Đại lễ Vesak còn thực hiện nhiều nghi lễ tâm linh như thắp sáng 7 đóa sen hồng lớn trên hồ chùa Tam Chúc, biểu diễn ca nhạc dân tộc và nghệ thuật của nhiều quốc gia Phật giáo, Triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam và thế giới, Triển lãm ảnh tư liệu Phật giáo Việt Nam, Triển lãm Tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo, Triển Lãm đá nghệ thuật Phật giáo và dân tộc, Triển lãm văn hóa phẩm Phật giáo, Hội chợ ẩm thực chay, Triển lãm và hội chợ tặng phẩm văn hóa Phật giáo.
Tin liên quan
Tin khác