Đầu tư
Đắk Lắk khơi nguồn lực phát triển
Lưu Hoàng - 24/08/2022 10:51
Thu hút các nguồn lực đầu tư là một trong những định hướng ưu tiên của tỉnh Đắk Lắk để từng bước khẳng định vị thế là trung tâm của vùng Tây Nguyên.
Những cánh đồng điện gió, điện mặt trời mọc lên tại Đắk Lắk là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất này

Điểm đến mới của dòng vốn đầu tư

Tháng 8/2022, tôi trở lại Buôn Ma Thuột. Thành phố đại ngàn với những hàng thông xanh và hương cà phê quen thuộc, nhưng lần này, Buôn Ma Thuột cho tôi một cảm nhận khác: ngạc nhiên và thích thú. Nhiều công trình mới mọc lên, không gian đô thị mở rộng, hàng dài những chiếc ô tô nối đuôi nhau và thỉnh thoảng ùn tắc khi cơn mưa bất chợt ập đến…

Rong ruổi đến các khu vực khác của tỉnh, sẽ bắt gặp những cánh đồng điện gió, điện mặt trời và những dự án nông nghiệp công nghệ cao được doanh nghiệp đầu tư. Dấu hiệu của sự phát triển có thể dễ dàng bắt gặp và cảm nhận được khi đặt chân đến vùng đất này. Đắk Lắk đang chuyển mình mạnh mẽ.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Đắk Lắk đã có những chuyển biến quan trọng. Theo đó, kinh tế Đắk Lắk duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2002-2020 đạt bình quân 13,8%/năm; quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tăng gấp 11 lần, từ 5.600 tỷ đồng (năm 2002) lên 61.800 tỷ đồng vào năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đều qua các năm; năm 2020 đạt 8.294 tỷ đồng, cao gấp 18,76 lần so với năm 2002; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng/người, gấp 18,4 lần năm 2002.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2002-2020, tỉnh Đắk Lắk có trên 13.300 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới, số vốn đăng ký hoạt động trên 89.500 tỷ đồng.

Những thống kê cho thấy sức phát triển của Đắk Lắk trong chặng đường đã qua. Đắk Lắk tiếp tục được dự báo còn tăng trưởng mạnh hơn nữa, khi dòng vốn đầu tư đang được doanh nghiệp rót vào các lĩnh vực thế mạnh, tiềm năng của địa phương. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, ông Đinh Xuân Hà cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án, tổng số vốn đầu tư là 9.985 tỷ đồng. Theo tính toán, đến hết năm 2022, toàn tỉnh sẽ thu hút được khoảng 20 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vừa qua, Đắk Lắk đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án, ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 13 dự án, với tổng vốn được cam kết đầu tư trên 25.000  tỷ đồng…

Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, hàng chục ngàn tỷ đồng cũng được doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Lắk. Đến nay, Đắk Lắk có 20 nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt khoảng 833 MW. 10 dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành với tổng công suất 1.024 MWp. Ngoài ra, có 2 dự án điện gió đã đưa vào vận hành phát điện thương mại với tổng công suất 428,8 MW; 4 dự án có tổng công suất 200 MW đang triển khai thi công; 5 dự án có tổng công suất 142 MW đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.

“Năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là những lĩnh vực mà Đắk Lắk thu hút được nhiều nhà đầu tư. Trong thời gian tới, nhiều dự án lớn được triển khai, hứa hẹn sẽ tạo động lực tăng trưởng cho Đắk Lắk”, ông Đinh Xuân Hà tin tưởng.

Năm lĩnh vực đột phá

Với việc thu hút dòng vốn đầu tư lớn, Đắk Lắk đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển. Tuy nhiên, để hiện thực mục tiêu trở thành trung tâm của Tây Nguyên thì còn nhiều việc phải làm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên tạo đột phá. Đó là ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch - dịch vụ logistics, thông tin và truyền thông, phát triển nguồn nhân lực.

Về nông nghiệp, Đắk Lắk sẽ phát triển theo các mô hình trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện môi trường, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn tầm khu vực và thế giới với những sản phẩm chất lượng cao.

Về công nghiệp, Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2030 được gắn kết chặt chẽ trong tổng thể phân bố không gian toàn tỉnh, là các hạt nhân năng suất cao, đầu tàu về phát triển kỹ thuật và ứng dụng khoa học - công nghệ mới. Công nghiệp dựa trên các nền tảng phát triển chung của vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng đến điện gió, năng lượng sinh học... Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, chế tạo công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.

Trong khi đó, với thế mạnh về du lịch - dịch vụ logistics, Đắk Lắk sẽ đưa du lịch trở thành ngành xương sống trong định hướng phát triển bền vững; hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, đảm nhiệm chức năng là trung tâm dịch vụ đầu mối của Vùng với một số loại hình dịch vụ như logistics, tài chính - ngân hàng, sàn giao dịch nông sản, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp...

Ngoài ra, Đắk Lắk cũng hướng đến năm 2030, hạ tầng viễn thông cơ bản hoàn thành, chuyển sang hạ tầng số với dung lượng lớn; công nghiệp CNTT phát triển mạnh theo hướng công nghiệp dữ liệu, hình thành các vùng động lực kinh tế mới. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ, nâng cấp chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn, đúng vị trí chuyên môn…

Nhiều giải pháp trọng tâm đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk đẩy nhanh thực hiện, để tạo lập vị trí của trung tâm vùng. Đáng chú ý, Đắk Lắk đã tập trung nguồn lực để mở nút thắt về hạ tầng giao thông. Trong đó, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng đang được đẩy nhanh; dự kiến khởi công năm 2023. 

Bên cạnh đó, Đắk Lắk sẽ phát triển mạnh thương mại, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, TP.HCM, miền Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Lào, các tỉnh của Campuchia; xây dựng cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế, xây dựng các điều kiện để hình thành Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê. Xây dựng tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên đến TP.HCM, các tuyến giao thông kết nối các tỉnh lân cận vùng Tây Nguyên.

Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước dành chủ yếu xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hạ tầng quan trọng, có tính chiến lược, làm nền tảng để thu hút các nguồn vốn khác từ các khu vực ngoài nhà nước. Cùng với đó, Đắk Lắk sẽ huy động nguồn vốn FDI từ các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là những dự án trọng điểm, ngành dịch vụ logistics và du lịch. Nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước sẽ đầu tư vào các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ, phát triển các khu đô thị, nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Đó sẽ là nguồn lực quan trọng để Đắk Lắk tăng tốc phát triển.

Xác định như vậy nên Đắk Lắk rất chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tập trung xây dựng chính sách đào tạo nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp vừa qua, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã cam kết mạnh mẽ với doanh nghiệp về những cải cách của tỉnh để tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn.

“Đắk Lắk luôn trân trọng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự thành công, thịnh vượng, phát đạt của doanh nghiệp cũng là mong muốn, là thành quả phát triển chung của Đắk Lắk. Các nhà đầu tư đầu tư tại Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Đắk Lắk”, ông Nguyễn Đình Trung khẳng định.

Chú trọng khơi thông các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của doanh nghiệp, Đắk Lắk đang tiến những bước vững chắc để trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên.

Tin liên quan
Tin khác