Thời sự
Đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng cơ bản của nền kinh tế
Mạnh Bôn - 19/07/2021 14:03
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Chính phủ sẽ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm.
Ngày mai, 20/7/2021 kết thúc Quốc hội khoá XIV, khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo dự kiến, trong tuần này (ngày 22/7/2021), Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ nhất về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm.

Chuỗi cung ứng không bị đứt gãy

Theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình KTXH 6 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng phục hồi (tăng 5,68% so với cuối năm 2020); mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm... Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt trên 58% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trên 32%... là những kết quả đáng ghi nhận sau 6 tháng thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021.

Với những kết quả đạt được như trên, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên "Tích cực".

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (khoá XIV), ông Vũ Hồng Thanh thì đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn toàn cầu do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Thẩm tra Báo cáo tình hình KTXH của Chính phủ, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIV ghi nhận tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự báo cả năm dưới 4%; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 5,68% so với cuối năm 2020.

Theo Ủy ban Kinh tế, mặc dù cũng chịu tác động tiêu cực chưa từng có bởi dịch bệnh như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, thậm chí, kể từ cuối tháng 4 trở lại đây, làn sóng Covid-19 thứ 4 đổ bộ vào Việt Nam với tốc độ nhanh và nguy hiểm hơn 3 lần trước rất nhiều lần, nhưng chuỗi cung ứng cơ bản của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, không bị đứt gãy. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì được luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài ước đạt gần 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8%), góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Lo lỡ nhịp với kinh tế thế giới

Tuy nhiên, cũng như tất cả các nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam đã và đang bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra; hàng hóa xuất - nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa xử lý được nhiều vấn đề cố hữu như thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Đặc biệt, hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục áp đảo khu vực trong nước khi chiếm trên 74% tổng kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại sau nhiều năm xuất siêu, trong 6 tháng đầu năm nay đã nhập siêu trở lại. Giải ngân vốn đầu tư công (một trong 3 động lực của nền kinh tế) tiếp tục gặp ách tắc khi trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân đạt được rất thấp. Thậm chí vẫn còn 15,6% nguồn vốn đầu tư công ngân sách trung ương chưa được phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lo ngại, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 25% so với 6 tháng đầu năm 2020. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng, phản ánh sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Chiến lược vaccine của nước ta còn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp. Trước thực tế này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lo ngại nguy cơ Việt Nam có thể lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới khiến đời sống một bộ phận người dân tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng lo ngại trước thực tế chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức. Chính phủ đặt mục tiêu chuẩn bị ít nhất 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số, đến nay đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều; nhưng tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn rất thấp. “Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine”, ông Thanh bày tỏ quan ngại.

Mặc dù đánh giá rất cao hiệu quả của công tác kiểm soát lạm phát (CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016) nhưng ông Thanh lo ngại áp lực tăng CPI trong những tháng cuối năm vì khác với nhiều năm, mặc dù sức cầu vẫn rất yếu nhưng tốc độ tăng CPI tháng 5 và tháng 6 (so với tháng 12/2020 và cùng kỳ năm 2020) đã tăng rất mạnh.

Nếu CPI tiếp tục tăng như tháng 5 và tháng 6 vừa qua, theo ông Thanh, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới và trong nước có xu hướng tăng cao sẽ gây áp lực lên lạm phát cho những tháng tiếp theo, chưa kể tình trạng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán sốt nóng trong suốt một thời gian dài đang đứng trước bờ vực lao dốc có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.

Tin liên quan
Tin khác